Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

0 Tính cách người Quảng Ngãi qua ca dao, dân ca Quảng Ngãi

[Mai Bá Ấn]


Theo lý thuyết văn hóa học, muốn xác định vị trí của một nền (vùng) văn hóa cần phải xác định bằng một hệ tọa độ ba chiều: Thời gian văn hóa, Không gian văn hóa và Chủ thể văn hóa. Trong đó, Không gian văn hóa là một “khái niệm mờ”. Nó dựa trên không gian lãnh thổ nhưng hoàn toàn không đồng nhất với không gian lãnh thổ mà chấp nhận những vùng giao thoa, chồng khít lên nhau giữa các dân tộc, các vùng miền lân cận nhau. Chính vì lẽ đó, khi xác định tính cách người Quảng Ngãi, ta cần đặt nó trong mối quan hệ với tính cách của người miền Trung nói chung và đặc biệt là trong tương quan với người Quảng Nam và Bình Định. Trong văn hóa học, tuyệt nhiên không có văn hóa riêng của người từng tỉnh, từng huyện bởi đây là những đơn nguyên văn hóa không ổn định so với các đơn nguyên khác như cá nhân văn hóa; gia đình, gia tộc văn hóa; làng xã văn hóa và vùng văn hóa. Giữa Quảng Nam và Bình Định thì mức độ giao thoa, chồng khít giữa văn hóa Quảng Ngãi và Quảng Nam rõ nét hơn so với Bình Định do địa giới Quảng Nam - Quảng Ngãi không ngăn cách bởi núi non, sông suối hiểm trở mà chỉ là một cái dốc nhỏ: Dốc Sỏi. Trong khi đó giữa Quảng Ngãi và Bình Định lại cách trở bởi con Đèo Bình Đê. Đèo Bình Đê tuy không cao, hiểm trở như Hải Vân hay Cù Mông, nhưng như ta đã biết, dãy núi Đèo Bình Đê là một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn “chạy lạc” về phía biển, vì thế, thời xa xưa nổi tiếng nhiều thú dữ: “Cọp Bình Đê”. Vì vậy, phong tục, tập quán, tiếng nói… giữa Quảng Ngãi và Bình Định có những khác biệt trong khi Quảng Nam và Quảng Ngãi lại rất giống nhau, đặc biệt là vùng Nam Quảng Nam và Bắc Quảng Ngãi. Ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) giáp với Bình Sơn (Quảng Ngãi), tiếng nói người dân ở đây chia ra làm hai khu vực chính: từ đường ray xe lửa trở lên phía núi thì không hề nói: ta, mi, mô, tê, răng, rứa, chừ… mà giọng nói rất giống với người Kinh miền Tây Quảng Ngãi, đặc biệt là giống tiếng Mộ Đức, Đức Phổ. Trong khi đó, từ đường ray xe lửa chạy xuống miệt biển thì nói rẹt giọng Quảng Nam (ta, mi, chi, mô, tê, răng, rứa, ni, nớ…) và chạy xuyên vào cả vùng Đông Bình Sơn (Quảng Ngãi). Xưa nay, nhiều người cứ lầm tưởng, Quảng Ngãi không nói: chi, mô, răng, rứa, chừ… nhưng nghiên cứu ca dao, dân ca, ta mới thấy rõ mức độ giao thoa, chồng khít lên nhau giữa văn hóa Nam - Ngãi: Đèn lưu ly nửa nước nửa dầu/ Nửa thương Quảng Ngãi, nửa sầu Quảng Nam. Chính điều đó mà địa danh Núi Thành (An Tân, Bến Ván xưa) của Quảng Nam đi vào khá đậm nét trong ca dao Quảng Ngãi nối liền với “Trì Bình” (Bình Sơn) và “Quán Cơm” (Sơn Tịnh): Hỏi thăm qua chú bán quynh/ Thấy ngoài Bến Ván, Trì Bình gặt chưa?/ Bến Ván bán tới Quán Cơm/ Gặt chưa không biết thấy hai cây rơm ú ù!. Thậm chí Cầu Bến Ván (Cầu An Tân hiện nay) và địa danh “Ao Vuông” của Huyện Núi Thành được nối rất sâu về phía Nam Quảng Ngãi: Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông/ Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa/ Quán Cơm nào quán nào nhà/ Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông/ Buồn lòng đứng dựa ngồi trông/ Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng. Và vốn từ địa phương Quảng Nam cũng xuất hiện khá đậm nét trong ca dao Quảng Ngãi: …Trai nam nhi như chàng sao không đi lấy vợ/ Để chi chừng này cho lỡ duyên ra/ Nê là học thói rượu trà/ Nê là ít học, nê là vô tri/ Nê là dòm dỏ so bì/ Nê là quán xá bỏ đi hoang đàng/ Nê là học thói phụ phàng/ Duyên kia, kiếp nọ dở dang bấy chày. “Nê là” đồng nghĩa với “hay là”. Và thống kê trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi ta thấy lớp từ “chi, mô, răng, rứa, chừ, nớ…” cũng xuất hiện khá nhiều ở vùng Đông Bình Sơn, đặc biệt là trong thể loại hát đối đáp: Xa làm chi xa oan xa ức/ Xa làm chi xa tức xa tối xa dội bớ chàng/ Xa làm chi bạn nói rằng xa… Hay: Anh đi mô răng rứa hử/ Phận em một mình lo hiếu sự cho mẹ cha… Hoặc: Anh đi răng rứa hử/ Cho em hỏi thử một đôi lời… Trên anh đối đặng chừ chừ/ Trầu têm cánh phượng bỏ khay cừ em đây, và Con cuốc chết là con cuốc khô/ bạn về dưới nớ lẽ mô không phiền… Trong quan hệ với Bình Định, tuy có giao thoa nhưng mức độ rất khiêm tốn, trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi, chỉ xuất hiện một số địa danh: Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông/ Thiếp ngồi dệt vải những trông bóng chàng/ Dừa xanh trên bến Tam Quan/ Dừa bao nhiêu trái trông chàng bấy nhiêu., không thấy sự giao thoa của tiếng nói vì tiếng nói của người dân phía bắc và phía nam Đèo Bình Đê rất khác nhau. 

Nói điều này để muốn khẳng định rằng: tính cách người Quảng Ngãi cần được đặt chung trong tính cách người miền Trung nói chung, đặc biệt là xứ Quảng (Nam Hải Vân) nói riêng và trong quan hệ cội nguồn với tính cách người Nghệ An, Hà Tĩnh (do các triều đại phong kiến Việt Nam đã đưa vào khai mở vùng Nam - Ngãi). Đành rằng xưa nay, giữa các tỉnh lân cận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định được phân biệt bởi câu: Quảng Nam hay cãi/ Quảng Ngãi hay co/ Bình Định nằm lo/ Thừa Thiên ních hết. Nhưng ở đây chủ yếu là sự phân biệt về cái “thói xấu” như là một nhược điểm ứng xử của từng địa phương chứ hoàn toàn không phải là tính cách tiêu biểu của người dân. 

Nghiên cứu ca dao và phần lời dân ca Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy, trong cái chung của người miền Trung, người Quảng Ngãi có những tính cách nổi bật như sau: 

1. Yêu quê hương, tự hào với truyền thống quê hương 

Đây là tính cách chung của người Việt Nam, tuy nhiên theo đặc điểm địa lý vùng miền, tình yêu quê hương, tự hào với truyền thống quê hương được người Quảng Ngãi thể hiện trong ca dao, dân ca theo cách riêng, hình ảnh cụ thể, ít sa đà vào triết lý. Những tên đất, tên đặc sản xuất hiện bàng bạc trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi thể hiện một tình cảm gần gũi, thân thương xen lẫn với niềm tự hào. “Mía ngọt, đường nhiều” cùng những đặc sản gắn chặt với mía đường như “mạch nha”, “đường phổi”, “đường phèn”, “kẹo gương” từ lâu đã trở thành một đặc trưng của Quảng Ngãi: Ai về Quảng Ngãi quê ta/ Mía ngon, đường ngọt, trắng ngà dễ ăn/ Mạch nha, đường phổi, đường phèn/ Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền. Tình yêu quê hương, lòng tự hào khiến người Quảng Ngãi tuy đất cỗi, dân nghèo vẫn đầy tự tin khẳng định mình: Ở đây mía ngọt đường nhiều/ Tìm trai xứ Quảng mà yêu cho rồi. Quảng Ngãi có sáu huyện miền núi, và từ lâu, đặc sản “cây quế” đã trở thành niềm tự hào của quê hương: Ai về Quảng Ngãi/ Cho tôi gởi ít tiền/ Mua giùm miếng quế lâu niên/ Đem về trị bệnh khỏi phiền bà con. Quảng Ngãi có biển trải dài từ đầu đến cuối tỉnh, những con sông từ nguồn chảy ra biển khiến vùng hạ lưu các con sông luôn có nước “chè hai” phù hợp với những loại cá nước lợ, và từ lâu, cá bống, don, cá thài bai… đã trở thành hương vị riêng của văn hóa ẩm thực Quảng Ngãi: Đi đâu cũng nhớ Thu Xà/ Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu. Bên cạnh đó, ở nhiều làng nghề truyền thống với đôi tay khéo léo của mình, người Quảng Ngãi đã biết tạo nên những sản phẩm vừa đa dạng vừa có bản sắc riêng: Ai về Cổ Lũy, xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng. Tự hào với quê hương, người Quảng Ngãi tự hào với truyền thống hiếu học, những nhân tài của quê hương mình: Bao giờ Thiên Mã sang sông/ Thì làng Mỹ Lại mới không công hầu. Tình yêu quê hương và lòng tự hào với truyền thống quê hương thấm đẫm trong lòng người Quảng Ngãi mỗi khi nói về một tên làng, tên đất, tên quê với những đặc trưng cụ thể của vùng quê ấy: Kể từ sông Vệ, chợ Gò/ Ngó vô Thi Phổ thấy đò Dắt Giây/ Chợ Đồng Cát buôn bán sum vầy/ Ngó vô Lò Thổi thấy cây xùm xoà/ Tú Sơn một đỗi xa xa/ Ngó vô Quán Sạn bạn hàng đà nghỉ ngơi/ Chợ Huyện là chỗ ăn chơi/ Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình/ Trà Câu sao vắng bạn mình/ Hai hàng châu luỵ như bình nước nghiêng?... 

Tình yêu quê hương cụ thể là cơ sở, nguồn cội của tình yêu nước. Ca dao, dân ca Quảng Ngãi thể hiện khá trữ tình nỗi lòng, nhiệm vụ của người dân đối với “nợ nước non”: Ngủ đi con, ngủ đi con/ Cha con trả nợ nước non chưa về/ Non sông nặng một lời thề/ Cha đi cứu nước chưa về cùng con. Người Quảng Ngãi luôn đặt tình yêu nước lên trên mọi lợi quyền của bản thân, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cả đến chuyện tình cảm riêng tư cũng lấy tình yêu nước làm nền tảng: Sông Trà Khúc ai mà tát cạn/ Rừng Trà Bồng ai đẵn hết cây/ Anh mà đi với thằng Tây/ Em đành phải dứt hết dây nghĩa tình. Hễ ai đi theo giặc, phản bội lại giống nòi, kể cả những người thân yêu nhất của mình, họ xem đó là một niềm sỉ nhục mà chẳng sông nước nào rửa sạch: Chiều tà ngã bóng nương dâu/ Vin cành, bẻ lá em sầu duyên tơ/ Tiếc công tháng đợi năm chờ/ Tưởng chàng có nghĩa, ai ngờ chàng theo Tây/ Vùi thân vào chốn bùn lầy/ Nước nào rửa sạch nhục nầy chàng ơi. Yêu nước gắn chặt với lòng căm thù giặc: Càng ngày sưu thuế càng cao/ Mất mùa nên phải lao đao nhọc nhằn/ Xóm làng nhẫn nhịn cắn răng/ Bán đìa nộp thuế cho bằng lòng quan trên/ Quan trên ơi hỡi quan trên/ Hiếp dân ăn chặn, biết tiền là to/ Dân đen cầm cố trâu bò/ Người lạy bán xuộng, người cầu bán con. Họ bám đất, bám quê đến hơi thở cuối cùng, cho dù cuộc sống có cơ khổ vẫn đặt tư tưởng “Chết vinh hơn sống nhục” làm đầu: Thà rằng uống nước hố bom/ Còn hơn theo Mỹ: lưng khom, chân quỳ. 

2. Cần cù, sáng tạo và hiếu học 

Nếu tục ngữ Việt Nam là những triết lý đúc kết từ kinh nghiệm sống và lao động sản xuất một cách ngắn gọn thì ca dao lại đậm chất trữ tình, thường là những lời nhắn nhủ, trao đổi, tâm tình về công việc đồng áng hay kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Người miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng vốn nổi tiếng cần cù, họ chí quyết với nghề nông truyền thống. Sách “Người Việt Đất Việt” có nhận xét: so với người Bình Định, Phan Thiết, Nha Trang thì “người Quảng Ngãi đảm hơn tất cả”. Đây là lời nhắn nhủ ân tình của người vợ đối với chồng: Anh ơi cố chí canh nông/ Chín phần ta cũng giỏi trong tám phần/ Can gì để ruộng cỏ năn/ Cày ruộng lấy lúa chăn tằm lấy tơ/ Tằm có lứa ruộng có mùa/ Chăm làm trời cũng đền bù có khi. Còn đây là kinh nghiệm làm cày, làm bừa của người đàn ông Quảng Ngãi: Gỗ cầy anh để đóng cày/ Gỗ lim, gỗ sến anh nay đóng bừa/ Răng bừa tám cái còn thưa/ Trạnh cày tám tất đã vừa luống to/ Muốn cho lúa nảy bông to/ Cày sâu, cày kỹ phân tro cho đều. Cả một đời lao động cần cù, gắn bó suốt một năm với mùa màng, thời vụ nông nghiệp, người Quảng Ngãi đã thể hiện một cách đầy đủ, đậm chất trữ tình, đầy tính lạc quan trải theo thời vụ nhà nông suốt cả năm ròng: Tháng giêng thì lúa xanh già/ Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng/ Tháng tư cuốc đất trồng lang/ Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ/ Tháng sáu làm cỏ dọn bờ/ Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm/ Gặt về đạp lúa phơi rơm/ Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày/ Lúa khô giê sạch cất ngay/ Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng/ Mùa đông mưa bão nhiều lần/ Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò/ Tháng mười cày cấy mưa to/ Trông trời, trông đất cầu cho được mùa. Dù làm nông nghiệp hay phải lên rừng, xuống biển tìm kế sinh nhai những lúc nông nhàn, người Quảng Ngãi luôn vững tâm trong lao động, không quản ngại khó khăn, luôn bền lòng và chung thủy: Cha mẹ giàu thì con thong thả/ Cha mẹ nghèo cực chẳng đã gian nan/ Sớm mai lên núi đốt than/ Chiều về xuống bể đào hang bắt còng/ Em dặn anh chặt dạ bền lòng/ Ai xe trăm dây cũng không dứt, ai thắt ngàn vòng cũng không ra. Cần cù lao động, người Quảng Ngãi còn biết sống tằn tiện, tiết kiệm và rất thực tiễn, đúng như sách “Đại Nam nhất thống chí” nhận xét “Đất xấu, dân nghèo nhưng tính kiệm ước”: Bồng em ra dạo vườn cà/ Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa/ Làm dưa ba bữa dưa chua/ Để giành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền. Người Quảng Ngãi cần cù nhưng cũng đầy tính sáng tạo trong lao động với đôi tay khéo léo, tài năng, cho nên các tác giả sách “Người Việt Đất Việt” đã nhiều lần ngợi ca “phải phục tài tháo vát,… phải phục sáng kiến của người dân Quảng Ngãi”: Khen cho gái Quảng có tài/ Nấu lưng chén gạo nồi hai cũng đầy. Chính vì thế họ rất ghét thói biếng lười: Làm dâu về nhà người ta / Ăn no ngủ nướng mẹ la chồng rầy; thói ngủ nướng, ăn hàng, đặc biệt là ở người phụ nữ: Có chồng mà chẳng biết lo / Ăn hàng ngủ nướng là đồ nhớt thây. Họ lên án sự hời hợt, vụng về, hoang phí trong tính toán làm ăn, thói lẳng lơ, thiếu trách nhiệm với gia đình: Kể từ cất gánh đi buôn/ Lúa còn ba cót, bạc còn ba trăm/ Khoai lang khô, đỗ phộng đầy thùng/ Chàng giao cho thiếp giữ cùng thiếp ăn/ Bây giờ cót ngã bồ lăn / Khoai lang khô cũng hết thùng văng ra ngoài/ Bởi vì cứ mảng theo trai/ Bao nhiêu tiền của ăn xài hết trơn. Trong phong tục hôn nhân cổ truyền của người Việt, tiêu chí chọn vợ chính là khả năng sinh đẻ và cáng đáng công việc đồng áng cũng như quản lý kinh tế gia đình, vì thế, những người phụ nữ lười biếng, không biết toan tính làm ăn trở thành đối tượng phê phán chính của người bình dân. Còn với đàn ông, người Việt Nam nói chung và người Quảng Ngãi nói riêng thường coi trọng sự học, năng lực giao tiếp và có vị trí xã hội. Do vậy, hiếu học trở thành một phẩm chất của người Quảng Ngãi. Người vợ thường cần mẫn lao động và luôn khuyên chồng học tập: Canh một dọn dẹp trong nhà/ Canh hai lên cửi, canh ba đi nằm/ Canh bốn rồi tới canh năm/ Mời anh dậy học chớ nằm làm chi/ Đến kỳ anh xách gói ra thi/ Tiền lưng, gạo gánh em đưa đi theo chàng/ Mai sau đậu chức làm quan/ Anh dẫn ngựa đi trước, rước võng nàng đi sau. Họ trọng sự học ở người đàn ông và đặc biệt là khả năng giao tiếp trong xã hội, xem đó là niềm tự hào của mình, và ngược lại: Kẻ đi kiệu, người đánh cờ/ Kẻ thời đọc sách người xem thơ nói tuồng/ Chồng tôi trốn tránh luôn luôn/ Chuyện chi không nói giả tuồng đứa câm/ Nghĩ ra chuốc khổ vào thân/ Trách cho bà Nguyệt xe lầm mối Tơ/ Tiếc công phu mấy đợi mấy chờ/ Sĩ nho không gặp, gặp đứa khờ làm chi/ Hay vầy tui chẳng có chồng chi/ Một mình ở vậy quy y lên chùa. Từ kháng chiến chống Pháp về sau, theo lời khuyên của cách mạng, người phụ nữ cũng bắt đầu coi trong sự học trong phong trào “bình dân học vụ” chung: Cô kia má đỏ hồng hồng/ Cô không biết chữ thì chồng cô chê/ Đã là phận gái thê nhi/ Gắng đi học chữ mai này dạy con. Đức hiếu học, coi trọng cái chữ của người Quảng Ngãi còn thể hiện rất rõ trong khả năng chơi chữ, sử dụng các điển tích trong sáng tác ca dao, dân ca: Bà già lể ốc trong nhà/ Con cuốc uống nước, con gà mổ kê/ Nực cười gà nọ mổ kê/ Ngựa ăn Gò Mã, rồng về Thăng Long/ Núi Đông Dương dê chạy giáp vòng/ Ngó ra ngoài biển thấy con cá ngừ nằm ngắc ngư/ Trên anh đối đặng chừ chừ/ Trầu tem cánh phượng bỏ khay cừ em đây. 

3. Trọng tình, hiếu nghĩa và thủy chung 

Ca dao, dân ca là một kho trữ tình. Người Quảng Ngãi sinh trưởng ở một vùng đất khắc nghiệt về tự nhiên, luôn chống chọi với bão lũ hàng năm, vì thế, trong đời sống họ rất trọng tình, dễ cảm thông, dễ mũi lòng: Ai buồn, ai khóc thiết tha/ Tui vui, tui cũng chan hoà giọt châu. Chính vì lẽ đó, mảng ca dao, dân ca trữ tình chiếm một dung lượng lớn trong kho tàng ca dao, dân ca Quảng Ngãi. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu một bài ca dao tiêu biểu, độc đáo để thấy, bên cạnh công việc đồng áng lo cái ăn, người Quảng Ngãi có khi dành cả suốt 24 giờ đồng hồ trong một ngày để giải bày tình cảm của riêng mình: Một giờ ra ngõ ngó trông/ Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng/ Hai giờ ra đứng đầu làng/ Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi/ Ba giờ giả chước đi chơi/ Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe/ Bốn giờ gió ủ mây che/ Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa/ Năm giờ dời gót về nhà/ Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi/ Sáu giờ đèn hạt lưu ly/ Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương/ Bảy giờ dọn dẹp trong giường/ Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao/ Tám giờ tiêm lưng, dầu hao/ Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình/ Chín giờ nghĩ giận phận mình/ Trách rằng căn số của mình mần ri/ Mười giờ còn biết nói chi/ Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình/ Mười một giờ mây lạc trăng chênh/ Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành/ Mười hai giờ kêu thấu trời xanh/ Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai. Kể cả khi duyên nợ không thành, họ vẫn giữ trọn tình cảm cho nhau mà không hề trách cứ bất kỳ ai, chỉ đổ thừa cho duyên số: Anh với em cùng ở một làng/ Bởi anh chậm bước nên nàng đi xa/ Bây giờ em không trách mẹ hờn cha/ Trách rằng căn số sinh ra lỗi giờ/ Trách cùng bà Nguyệt ông Tơ/ Xui đường cho thiếp, bỏ bơ vơ duyên chàng. Chữ hiếu cũng được người dân Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu: Anh xách bầu rượu tới đó/ Thôi anh chịu khó xách về/ Giàu nghèo em chẳng dám chê/ Để em nuôi từ mẫu cho trọn bề hiếu trung. Sự phân vân, đắn đo giữa hiếu và tình luôn được đặt ra, mà cách giải quyết tốt nhất đối với họ chính là sự quân bình để vẹn vẽ cả đôi đường tình - hiếu: Áo vàng đừng để sứt khuy/ Cãi lời cha mẹ làm chi tội trời. Và: Mười phần thương bạn hết ba/ Bảy phần thương mẹ, nhớ cha vô cùng. Trong tâm thức người Việt nói chung, người Quảng Ngãi nói riêng, giữa tình và nghĩa, thường là trọng nghĩa hơn tình. Cái nghĩa là cái còn lại còn cái tình có thể đi qua: Anh có vợ trước lâm đàng cực khổ/ Em có chồng sau đặng chữ thanh nhàn/ Ra đi cáng võng nghinh ngang/ Nghiêng mình xuống cáng chào chàng, cảm ơn/ Con chim huỳnh nó đậu cành sơn/ Ở sao cho trọn nghĩa thì hơn bạc vàng. Thậm chí, cái nghĩa được người Quảng Ngãi xem như một đạo lý làm người: Anh ơi giữ đạo tam cang/ Dù sanh dù tử cũng giữ cho toàn trước sau/ Anh ơi đừng có ham giàu/ Tỉ như con chim kêu núi Bắc, con cá sầu biển Đông/ Có duyên thì vợ thì chồng/ Không duyên ở vậy lập vườn hồng trồng hoa/ Hỡi người bạn cũ gần xa/ Ham nơi phú quý bỏ nghĩa ta sao đành/ Anh sảy thì em lại cào/ Lúa bắp mới đặng đầy bồ, đầy chum. Và vì thế, họ là những con người yêu chính nghĩa: Anh ra đi lính cho làng/ Nước mắt ròng ròng nhớ mẹ nhớ cha/ Cực vì ông nớ trong tòa/ Sức anh đi lính vậy mà phải đi/ Ra đi tới rặng Trà Mi/ Thấy kẻ thăm con, người thăm cháu, thiếp đi thăm chàng/ Đi ra vừa tới ngoài Hàn/ Thấy lính đi tập dư ngàn, dư trăm/ Thiếp thương chàng mới ghé qua thăm/ Chàng qua nước bển biết mấy mươi năm chàng về/ Thôi thôi em trở lộn về/ Nuôi cha với mẹ trọn bề hiếu trung. Trọn tình, vẹn hiếu, trọng nghĩa, cho nên người Quảng Ngãi sống thủy chung như nhất: Anh đi mười một năm Thân/ Ở nhà em đợi đã gần ba năm/ Dầu mà nơi tử nơi sanh/ Thì em cũng đợi nơi anh trở về/ Ở nhà không dám ngoa nguê/ Áo em năm nút chưa hề hở bâu. Họ “giữ đàng thủy chung” cho dù có xa cách, có bị trách móc, nghi ngờ: Anh về dưới nớ em ở lại trên ni/ Dặn em hai chữ nhớ ghi vào lòng/ Thương nhau nước đục cũng trong/ Ghét nhau nước chảy giữa dòng cũng dơ/ Mực sa xuống giấy thành thơ/ Đừng nghi mà tội đừng ngờ mà oan/ Kề tai nghe tiếng anh than/ Trước sao sau vậy giữ đàng thủy chung. Vì lẽ đó, họ ghét thói trăng hoa: Chim nhàn bắt cá lượn khơi/ Thấy anh châu chẩu nhiều nơi em buồn; lên án kẻ vong tình, bội nghĩa: Bạn ơi bạc nghĩa như vôi/ Một trăm viên mực mà bồi không đen/ Có trăng bạn nỡ phụ đèn/ Trăng thì một thuở, ngọn đèn ngàn năm. 

4. Thiệt thà, chất phác và thẳng ngay 

Đây là phẩm chất nổi bật của người nông dân miền Trung nói chung, riêng người Quảng Ngãi, phẩm chất này được thể hiện qua lối nói chất phác, thật thà và cũng rất thẳng thắn: Ai trắng như bông, lòng tôi không chuộng/ Người đó đen giòn làm ruộng tôi thương/ Biết rằng dạ có vấn vương/ Để tôi cậy mối tìm đường sang chơi. Người Quảng Ngãi lấy đức tính thật thà làm tiêu chuẩn xe duyên. Khi nhận ra phẩm chất này của đối tượng thì cho dù có vượt đèo, lội dốc họ vẫn quyết vượt qua mà “gầy dựng cửa nhà”: Đèo nào cao bằng đèo Đồng Ngỗ/ Bộ nào rộng bằng bộ An Ba/ Anh thấy em ăn nói thiệt thà/ Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng em. Thiệt thà, chất phác nên họ ưa nói thẳng ra những điều họ nghĩ, không hề quanh co hay đãi bôi cho dù điều họ nói có thể sẽ làm “mắc lòng” kẻ khác: Các chị gần xách nước bằng bình/ Đây tui ra giếng tui rinh một vò/ Ai nhiều nhơn nghĩa thì lo/ Tui ít nhơn nghĩa, tui hò lơi lơi/ Ai dài cần, dài nhợ ra khơi/ Tui ngắn cần, ngắn nhợ, tui nhắp chơi trong gành/ Đêm khuya gió mát trăng thanh/ Họa may con cá cựu nó dựa gành giỡn trăng. Cả đến cái chuyện duyên tình tế nhị lẽ ra phải lý giải lắm lời, họ cũng trải lòng chân thật và thẳng ngay: Buổi tiền duyên sao anh không ngăn không đón/ Bây giờ anh đón ngõ, ngăn truông/ Bề mô em cũng có chồng/ Con cá sảy nơm con cá chạy, con chim sổ lồng con chim bay/ Bây giờ quyền họ đã cầm tay/ Cờ về tay ai nấy phất, khổ gay lắm chàng. Những kẻ không thiệt thà thì họ cũng chỉ ra và nói thẳng mà không hề quanh co, úp mở: Anh nói với em không thiệt không thà/ Đùng đình ra trái nửa già nửa non/ Anh nói với em anh chưa vợ chưa con/ Con đâu mà khóc đầu non tè tè/ Thôi thôi anh trở lộn về/ Trước nuôi cha mẹ sau trọn bề gia phong. Thích nói thẳng, nhưng người Quảng Ngãi lại rất kín đáo, tế nhị trong biểu hiện tình cảm bằng hành động. Họ xem phẩm chất này là yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu: Anh thương em đừng cho ai biết, đừng cho ai hay/ Đừng cho ai biểu, đừng cho ai bày/ Thâm thâm dìu dịu mỗi ngày mỗi thương/ Nước dưới sông ai sá dễ đong lường/ Bạn có thương ta bạn biết chớ thói thường có biết đâu. Họ xem sự thiếu tế nhị, kín đáo trong thể hiện tình cảm là nguyên nhân của những hiểu lầm không đáng có trước miệng lưỡi thế gian, cho dù họ biết tình cảm của người ấy là thật dạ với mình: Anh thương em thì đừng có luân con mắt, đừng có bắt cái tay/ Người ta đông như hội ngó ngay chứ đừng nhìn/ Anh thương em để dạ làm tin/ Miếng trầu miếng thuốc giữ gìn anh ăn/ Trầu em, em để trong khăn/ Thuốc anh, anh hút đừng quăng, đừng dồi/ Miệng thế gian quá lắm anh ơi/ Chồng em hay đặng, vậy thời em nói sao. Vốn thật thà, chất phác nên họ luôn cảnh giác, dặn nhau cảnh giác trước những lời lẽ ngọt ngon, giả dối của đàn ông: Chớ nghe quân tử ỉ on/ Để rồi có lúc ẳm con một mình; và lên án thói trăng hoa của đàn bà: Gái đâu có gái lạ đời/ Chỉ trừ có một ông Trời không chiêm/ Thổ Công Hà Bá cũng nhìn/ Tề Thiên Ðại Thánh cũng chiêm làm chồng. Họ ghét cay ghét đắng thói đòi hỏi, đèo bòng, hợm của: Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn/ Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ/ Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ/ Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà/ Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái/ Trai như chàng trai đà xứng rễ/ Gái như nàng xứng điệu xuân nương/ Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương/ Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn/ Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang. Những kẻ đó, theo họ, nhất định sẽ bị quả báo mà thôi: Chê thao, mặc lụa, cũng tằm/ Chê dép mang giày cũng gặp da trâu; và: Chê thằng mòng hóng/ Đóng thằng đen thui/ Né đứa ghẻ ruồi/ Đụng ông ghẻ phỏng! 

5. Nhân hậu, bao dung và lạc quan, yêu đời 

Trọng tình, trọng nghĩa, người Quảng Ngãi cũng sống rất nhân hậu và bao dung, lấy đức khoan hòa làm trọng: Áo thay tay chờ ngày giao bạn/ Miệng kêu ới chàng cho xứng trượng phu/ Đó bạn hò nhu, ta cũng hò nhu/ Ai mà hò hoán, hò thù mặc ai. Người con trai Quảng Ngãi cho dù lỡ duyên lỡ phận với người mình yêu vẫn một mực giữ trọn nghĩa tình, vẫn đến chúc mừng khi người mình yêu đi làm vợ người xa: Con gà kia muốn đá, cực vì chân kia không cựa/ Con chim kia trên ổ muốn bay, cực vì cánh nọ không long/ Anh còn mắc ba bốn chữ tang bồng/ Chưa đi đến bạn, bạn có chồng nơi xa/ Mời anh, anh cũng tới nhà/ Trước ăn trầu uống rượu, sau nơi xa em kết nguyền. Người con trai lại còn lo lắng, “cảm thương” nếu lỡ người mình yêu đi lấy chồng mà không tìm ra hạnh phúc: Chim khôn quen lấy cái lồng/ Cá khôn quen dịch, vợ chồng quen hơi/ Cá về biển bắc nghỉ ngơi/ Chim dựa gầm trời ngày tháng đinh ninh/ Cách xa nhắn một chữ tình/ Cảm thương cho bạn một mình bạn ơi. Trong khi đó, người con gái Quảng Ngãi còn bao dung đến mức có thể nhận thiệt thòi về mình để người bạn tình vững dạ: Anh về không lấy gì đưa/ Còn một trái dừa sót lại trên cây/ Khuyên anh ở lại trên này/ Để em về dưới chịu rầy cho anh. 

Nhân hậu, bao dung, người Quảng Ngãi dù sống trong cơ cực, nghèo nàn vẫn luôn lạc quan, tin yêu cuộc sống: Anh chẻ tre bện sáo ngăn sông/ Kịp khi đó vợ đây chồng kết đôi/ Anh chẻ tre bện sáo cho dày/ Ngăn sông Trà Khúc chờ ngày gặp em. Khi duyên tình trắc trở, họ không than thân trách phận, không trách bạn tình mà sớm tự cân bằng mình để tìm lẽ yêu thương mà vui sống: Anh đà biết ngõ em chưa/ Ngõ em ngõ ngói mà chưa chạm rồng/ Hai bên lê với lựu trổ bông/ Anh có vợ năm trước em có chồng năm sau/ Bây giờ hai đứa bằng nhau/ Miễn là có phước chớ trước với sau làm gì. Tiếng cười chính là vũ khí để con người vượt lên trên những khổ đau, mất mát. Cái kiểu đối đáp “ăn miếng trả miếng” một cách tếu táo này cũng chính là một biểu hiện sinh động của tinh thần lạc quan ở người Quảng Ngãi: -Anh về bán ruộng cây da/ Bán đôi trâu già mới cưới đặng em/ -Anh về bán cái nồi rang/ Bán đôi đũa bếp cưới nàng còn dư. Đọc ca dao, dân ca Quảng Ngãi, đặc biệt là những câu hát đối đáp, ta có cảm giác, họ trêu chọc nhau một cách vô cùng trong sáng chứ không hề ám chỉ điều gì. Hát lên, đặt ra - đối lại để thể hiện tài năng và cùng hướng về mục tiêu chung là giáo dục những điều tốt đẹp ở đời chứ không phải là sự thách đố, hơn thua nhau giữa hai bên nam nữ: -Nữ: Trước nhà em có cây tùng tán, trả một ngàn không bán/ Sau nhà em có cây liễu rũ, nhiều chủ muốn mua/ Thân em như trái thơm chua/ Kẻ ngang qua chép miệng, người muốn mua không tiền. -Nam: Trước nhà em có cây tùng tán ngã ngáng bên đường/ Sau nhà em có cây liễu rũ để chim cú đậu đỡ đôi ngày/ Thân em như trái thơm chua/ Núp trong bụi rậm chờ ngày sóc ăn. Tín ngưỡng phồn thực từ lâu đã trở thành một dòng chảy trong đời sống tâm linh người Việt. Vì thế sẽ không hề ngạc nhiên khi ta thấy trong ca dao, dân ca Việt Nam có hẳn một dòng thơ ca thông tục. Mượn cái sự thông tục trên cơ sở óc thông minh, dí dỏm, người Quảng Ngãi tỏ rõ niềm lạc quan của mình thông qua nụ cười vừa tinh quái lại vừa rất tự nhiên: Cha mẹ cho anh đi học đờn cầm, đờn kỳ/ Đờn chi chi anh cũng tỏ/ Chỉ có đờn bà anh chưa rõ đường chơi/ Đêm khuya gió mát thảnh thơi/ Các chị ngồi đó tui chơi đờn bà. Đặc biệt hơn là rang rảng tiếng cười trong những lời đối đáp “bộc toẹt” mà ý vị, thanh mà tục, tục mà thanh: -Nữ: Liệu bề đát được thì đan/ Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười! -Nam: Các cô ơi, tôi không phải trai hư/ Tôi đát được, tôi đan được, tôi lận bây giờ cho cô coi/ Lận rồi tôi “cột chặt” hẳn hoi/ Ở trên tôi rấn xuống ở ngoài tôi đè vô/ Nói ra sợ mất lòng mấy cô/ Ngó trong cái mủng chỗ mô tôi cũng dùi… 

Tóm lại, trong cái chung có cái riêng, cái riêng là cụ thể hóa của cái chung. Đây là quy luật tất yếu của quá trình giao lưu văn hóa các vùng miền. Trong những tính cách chung của người miền Trung, ca dao, dân ca Quảng Ngãi vẫn có cách nói riêng nhằm thể hiện đúng nhất tính cách của con người sáng tạo ra các giá trị tinh thần đó. Trong kho tàng ca dao và phần lời dân ca Quảng Ngãi có được, dựa vào tần suất xuất hiện đậm đặc của số lượng câu, bài, chúng tôi rút ra những tính cách nổi trội của người Quảng Ngãi trong mối quan hệ chung với tính cách người dân miền Trung nhằm giúp người đọc nhận diện được những nét độc đáo của tính cách con người thể hiện qua ca dao, dân ca. 

[Phan Ngọc Thiên gởi đến blog]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét