Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

1 Đăng ký nhận bài viết mới bằng email

Dear bạn đọc blog NgayXua88,

Để đáp lại ý kiến góp ý của nhiều người về việc cần có thông báo về bài viết mới, Blog NgayXua88  sẽ triển khai dịch vụ gởi bài mới trong ngày đến email cho subscriber (những người đăng ký nhận bản tin blog bằng email).

Để nhận email mỗi ngày từ 1:00 PM đến 3:00 PM, các bạn đăng ký địa chỉ email của mình vào nơi "đăng ký  nhận email" (góc trên bên trái). Khi có bài viết mới (và chỉ khi có mới), Blog Ngayxua88 sẽ tự động mail để bạn biết. Khi đăng ký có vài bước tiếp theo bạn phải hoàn thành và cuối cùng là vào hộp thư của mình (inbox), bấm vào link confirm để được kích hoạt.

Xin trân trọng cám ơn và giới thiệu đến mọi người.
Khiếu

P/S: Khi nào thấy "không cần thiết" nữa, bạn có thể unsubscribe mọi lúc mọi nơi.

2 Thị xã ra quân

(Nhà thơ Nguyễn Thị Mai)



















Thị xã mình sáng nay ra quân
Tháng Ba đang mùa hoa gạo đỏ
Những phố, đường đêm qua như chẳng ngủ
Thức dậy sớm hơn mọi ngày

Những nhà có con đi sáng nay
Lục tục đỏ đèn từ mờ đất
Hàng xóm hỏi nhau thân mật
- Phố mình sáng nay mấy đứa ra đi?

Không giống ông bà mình tiễn nhau xưa kia
Chỉ lặng im, bịn rịn…
Không giống mẹ tiễn cha thuở nào đi trận
Bâng khuâng, thèn lẹn, dặn dò…

Thị xã mình sáng nay tiễn đưa
Cái háo hức nhân lên, niềm vui chia để lại
Con trai con gái
Nghe họ cười, không đoán nổi ai đi…

Ngã ba phố mình thênh thang mọi khi
Sáng nay ứ dòng xe cộ
Sáng nay đò sang bến chợ
Nhường cho khách lên đường

Mậu dịch bách hóa mở sớm hơn ngày thường
Đông con gái vào mua bút, sổ
Chị bưu điện luôn tay, lòng cởi mở
Trao tập phong bì và những con tem
Thị xã rộn lên
Chẳng ai biết tiếng loa nhắc gì trong hội trường nhà văn hóa
Cứ nghe rôm rả
Chuyện quân ta chống trả giặc thế nào

Đêm qua đài đưa tin biên giới rất lâu
Từ hôm tổng động viên bao nhiêu lá đơn gửi về Thị ủy…
Biên giới trở thành thiêng liêng trong suy nghĩ
Tiếng súng kéo khoảng trời gần hơn…

Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá đơn
Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy
Sông Đà tháng ba – mùa hoa gạo cháy
Đuốc non sông hừng hực lửa căm hờn

Tiễn những người con lên phía biên cương
Có tình thương trong gói cơm của mẹ
Có dáng tiễn đưa còng lưng của bà
Có cuốn sổ lưu niệm chật lời bè bạn
hẹn gặp cùng trên biên giới xa.

Và ra đi sáng nay tháng Ba
Có chàng trai bỗng đọc to bài Bình Ngô đại cáo.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

3 Quảng Ngãi công bố 4 đặc sản xác lập kỷ lục VN

(Theo TuoiTre online, ngày 22/01/2013)

Sáng 22.1, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi tổ chức công bố 4 đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam. Đó là cá bống sông Trà, món Don, kẹo gương và quế Trà Bồng.
Đây là 4 đặc sản lọt vào Top kỷ lục Việt Nam, trong đó 2 đặc sản là cá bống sông Trà và món Don thuộc top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam và 2 đặc sản kẹo gương, quế Trà Bồng thuộc top 10 đặc sản kẹo mứt, thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam.
Tại buổi công bố, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chọn 2 đặc sản quế Trà Bồng và hành, tỏi Lý Sơn đề nghị Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trình Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á.
Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cùng các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế; bảo tồn và phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng đặc sản, sản xuất các sản phẩm lưu niệm; quảng bá 4 đặc sản đã được xác lập kỷ lục Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.

Trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh 4 đặc sản Quảng Ngãi


Quế Trà Bồng
Sản phẩm làm từ quế Trà Bồng
Cá bống sông Trà

Đặc sản kẹo gương Quảng Ngãi

Con don

Món don


Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

9 MỘT KẾT NỐI

Tết sum vầy bên gia đình, bạn bè, được chăm sóc cha mẹ, hít thở bầu không khí yêu thương, khoái khẩu với những món ăn đặc sản đầy hoài niệm của tuổi thơ, hàn huyên với những bạn bè tri âm, tri kỷ, tri tâm. Những đứa con xa xứ nào không thèm được cảm giác đòan tụ bên người thân trong giờ phút giao thừa !? 

Một năm trời tha phương cầu thực cũng mong có những ngày quây quần bên cha mẹ, anh em trong tiết trời chuyển giao. Tại sao dòng người cứ cuồn cuộn như bầy chim di cư bay về tổ ấm của quê hương !? 

Mắc võng trên thân cây nhãn, gió lạnh hiu hiu thổi, cảm giác phiêu bồng trong cảnh u tịch tương phản với đất Sài thành. Nằm đu đưa miên man nghĩ suy, hệ thống lại năm cũ đã qua, dự tính cho năm mới. Những ký ức lần lượt như áng mây bay qua bầu trời xanh trong vắt hòa quyện mùi khói lam chiều, thoang thoảng đây đó mùi hăng hắc, thum thủm hương xưa của phân bò, phân trâu lẫn trong đám lá mía, rơm rạ khô….Ôi sao quê hương bình dị mà đáng yêu thế. 

Nhìn đứa con trai lên 3 bi bô với ông bà ngoại, cậu dì, lòng chợt nhớ đến đứa con tinh thần cũng từng tuổi ấy – Ngày xưa 88 - đã có những bước đi chập chững, trưởng thành qua từng năm một. Các thành viên khắp mọi miền đất nước, hải ngoại của K88 và bạn bè phải có trách nhiệm chăm sóc con cái, có bổn phận – nhiệm vụ – danh dự để tự hào được kết nối chúng với nhau sao cho thế hệ con cháu sau này có được một viễn cảnh tươi sáng cho đại gia đình

Chúng ta có may mắn là một tập thể đồng đều, chịu thương, chịu khó, khoan dung, độ lượng, hy sinh thầm lặng và sẻ chia…Tính cách của người đi trước làm gương để dạy bảo cho các thế hệ đi sau (Quang tiền – Nhũ hậu) thì kết nối lúc trưởng thành của Ngày xưa 88 sẽ có muôn vàn chuyện lợi ích và đầy thú vị xoay quanh việc kết nối này. 

Trách nhiệm của mỗi thành viên 
Một năm ít nhất đóng góp một bài viết 
Sưu tầm những câu chuyện hay, bài thuốc quý 
Phổ biến, thông tin, chia sẽ với anh em, bạn bè …về công ăn việc làm, sinh hoạt gần xa… 

Nói như PHAN NGỌC THIÊN 

Sân chơi ta đầy màu sắc 
Cách chơi ta đầy mùa xuân 
Kiểu chơi ta đầy tình người 

Khi trưởng thành (18 tuổi) có thể lúc đó cái tên Ngày xưa 88 không còn phù hợp mà phải đại chúng hơn. Là nơi ưu tiên số một cho lượng truy cập tìm hiểu thông tin của tỉnh nhà, của quê hương về văn hóa, sinh hoạt, học hành, việc làm, chữa bệnh, từ thiện, quảng cáo …và cũng là nơi mà thông tin được cập nhật như là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được … 

Đa phần bạn bè chọn Sài gòn làm nơi ăn chốn ở đã ¼ thế kỷ, từng chứng kiến nhiều việc nhờ vả của người thân, bạn bè, đồng hương xoay quanh những công việc, công ăn, việc làm, học hành, bệnh tật…Nếu có thông tin chính xác thì đối tượng sẽ kết nối đúng nơi, đúng chỗ, đúng người, đúng tiền bạc và đúng cả thời gian. 

Bạn thử hình dung một người chân ướt, chân ráo từ quê ra bệnh viện tỉnh còn lớ ngớ huống hồ là vào đến nơi phồn hoa đô hội thì không khỏi tránh được cảnh bơ vơ, lạc lõng với một thành phố ồn ào và náo nhiệt. Họ muốn tìm một địa chỉ tin cậy để nhờ vả thì không đâu bằng người đồng hương (văn hóa làng xã). 

Ví như đi chữa bệnh, việc đầu tiên là tìm bệnh viện, chạy bác sĩ chữa trị tốt, tìm nơi ăn chốn ở phù hợp. Một việc làm đôi lúc như chơi trò xổ số, chưa kể bị lừa phỉnh, dọa nạt của đám cò và ma cô. Tiền mất, tật mang, mất thời gian làm cho người bệnh và gia đình mệt mỏi, đôi lúc tuyệt vọng, bệnh không nặng cũng phải nặng hơn. Một kết nối sẽ giúp tiêu trừ những phiền phức oái ăm đó. 

Đơn cử bác sĩ VÕ QUANG ĐÌNH NAM – làm việc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là một ví dụ rõ nét để chúng ta cảm thấy thật tự hào. Chuyện bệnh nhân được bác sĩ chăm sóc kỹ lưỡng, điều trị đúng tuyến, tư vấn hữu ích …Bác sĩ Nam có mối quan hệ rất rộng với tất cả các bệnh viện lớn và các bác sĩ chuyên khoa giỏi. Ai nhờ bác sĩ Nam hỗ trợ cũng được bác sĩ tận tình giúp đỡ đến nơi đến chốn. Thật đáng mặt thủ lĩnh để kết nối trong việc điều trị và chữa bệnh. Tại sao không bắt đầu từ bác sĩ Nam ? 

Để biến ý tưởng thành hiện thực, chúng ta phải có sân chơi, nơi giao lưu, ẩm thực, văn hóa Ấn-Trà, Ngày xưa 88…sẽ là một kết nối cho một HỘI QUÁN QUẢNG NGÃI ra đời ngay từ bây giờ, dù chỉ là ý tưởng tại đất Sài thành và cần thêm thời gian và công sức biến nó thành hiện thực. Mong các thành viên K88 bổ khuyết thêm. 

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm. Các thành viên đã từng tạo một sân chơi – Quán café BẠN VÀ TÔI ra đời để thỏa mãn những ước mong được gặp nhau chia sẻ những giá trị tinh thần vật chất cho một đại gia đình mai sau. Có lẽ do tập hợp nhiều anh tài trong một dự án làm ăn quá nhỏ, anh em đóng góp và hoạt động như “văn nghệ”. Quán từ từ lụi tàn dần. 

Ý tưởng hội quán ra đời giải phóng nỗi khát khao gặp gỡ các đồng hương trong vài trăm ngàn người Quảng ngãi nhập cư vào Sài thành. Thành danh của người xứ Quảng xuất hiện ngày càng đông trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở Sài thành. Thử hỏi có nơi nào để chúng ta giới thiệu văn hóa, lịch sử, tâm hồn, hình ảnh và văn hóa ẩm thực xứ Quảng tương đương như hệ thống Quán Huế, Mì Quảng, cơm gà bà Luận……Muốn mời một người bạn làm ăn khác tỉnh để giới thiệu món ngon xứ Quảng (don, ram nướng, chim mía, bún bò Quảng Ngãi, cá bống sông Trà, cơm rang, đường phèn, đường phổi, kẹo gương…) thì tìm nơi đâu ? Hởi các người đồng hương ta ơi, tại sao không thể kết nối ? Đến lúc đó, dù xa quê, dù cư ngụ ở Sài thành nhưng chúng ta cũng cảm nhận như đang sống ở quê hương qua những bộ phim, hình ảnh, thông tin, kỹ vật hiện hữu trong Hội quán. Có lẽ cái hồn Quảng Ngãi dường như đâu đó không xa xôi lắm như khoảng cách địa lý hơn 800 km . 

Trong ngành xây dựng địa ốc, không ai không biết sản phẩm hữu ích cụ thể cho xã hội, một loạt những cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp mang thương hiệu Ever-Rich 1,2,3 (http://theeverrich.com/) đã xuất hiện ở Sài Gòn. Dưới góc nhìn của tôi đánh giá với một cá nhân độc lập như NGUYỄN VĂN ĐẠT (bạn cùng lớp, cùng khóa) chỉ còn hai từ khen tặng biểu đạt sự KÍNH PHỤC. Đạt là người dám nghĩ, dám làm những công việc lớn, mà từ những ngày đầu Công ty cổ phần địa ốc Phát Đạt nhắm đến. Nếu không có những trở ngại khách quan thì tôi tin Đạt đã trở thành tỷ phú Đô la (Mỹ) trong năm 2013. Thử làm phép so sánh Công ty cổ phần địa ốc Phát Đạt với các tập đoàn địa ốc đại gia Việt nam như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai… thì bạn sẽ đồng tình với nhận định của tôi. Một người thủ lĩnh thật sự tài năng, có tâm với quê hương, bạn bè và có quan hệ xã hội rất rộng. 

Ăn uống ngon bổ là một nhu cầu có thật. Đạt sở hữu một nhà hàng lớn và sang trọng tọa lạc tại lầu 6 tòa nhà Hùng Vương Plaza chuyên về món ăn Trung hoa rất đặc sắc. Đã từng đứng trong Top 10 người giàu nhất Việt nam trên thị trường chứng khoán nhiều năm liền. Giả sử Đạt chịu đầu tư một số vốn nhỏ 1 triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng Việt nam) để làm một quán văn hóa ẩm thực Quảng Ngãi cực đỉnh (tính Đạt tôi biết rất rõ, đầu tư là phải tới cùng) thì Hội quán này sẽ là nơi hội tụ, giao lưu, hội họp và làm ăn của các doanh nghiệp, đồng hương, bạn bè, các quan hệ thân hữu. Các doanh nghiệp Quảng Ngãi sẽ tự hào có nơi để tiếp đãi, giới thiệu xứng tầm món ăn hương quê. Người Quảng Ngãi sẽ ngã mũ mang ơn. Các doanh nghiệp bạn bè sẽ có một cặp mắt ngưỡng mộ, thán phục Đạt hơn. Người đi tiên phong thổi hồn xứ Ấn-Trà để mọi người nhập cư xứ Quảng (ngãi) phải biết điểm đến Hội quán – Một kết nối tại Sài gòn. 

TRẦN THIÊN PHONG – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần trang trí nội thất Đông Đô (http://dongdoco.com/) cũng là người xứng đáng làm thủ lĩnh. Những sản phẩm khung trần sản xuất từ nhà máy D&S có chất lượng quốc tế được tổ chức một mạng lưới tiêu thụ trên hơn 400 đại lý lớn nhỏ khắp Việt nam cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại từ Mỹ, Pháp…, những công trình do công ty Đông Đô thi công như Casino Hồ tràm (thuộc tập đoàn giải trí MGM Grand- Mỹ), Trung tâm thương mại Saigon Paragon, cao ốc Centec, Carina Plaza, Saigontech, Cao ốc Vinamilk, Rosana Building, nhà máy Intel… mang tiêu chuẩn và đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, khoảng 25% công trình cao cấp thi công trần tại Sài Gòn do công ty Đông Đô đảm trách. 

Chơi với Phong từ còn niên thiếu, tôi ngưỡng mộ tư cách đạo đức, tầm nhìn xa trông rộng, tính cách điềm tĩnh để lèo lái đưa con thuyền Đông Đô trong phong ba bão táp của kinh tế thị trường với quan điểm phát triển bền vững con người – sản phẩm. Phong là người chọn bóng tối (âm tính) để ẩn mình, để quan sát, ít người biết, tìm kế sách đối trị, nhưng hiệu quả rất cao. 

Trên đây tôi đơn cử nêu ra 3 vị có đủ khả năng làm thủ lĩnh. Bạn nào có ý hay, xin bổ sung thêm. Còn có nhiều ứng cử viên nặng ký như VĂN KHIẾU, ANH TÙNG, MINH ÁNH…(những thủ lĩnh hy sinh thầm lặng). 

Hội quán sẽ hình thành và phát triển gồm các bước như sau:
  • Bước 1: Thành lập một nhóm tâm huyết có mong muốn đầu tư Hội quán 
  • Bước 2: Tìm một vị trí đất thuận lợi rộng rãi, tạo một quán ăn với nhiều món đặc sản Quảng Ngãi. 
  • Bước 3: Đưa văn hóa xứ Quảng đặc trưng vào Hội quán 
  • Bước 4: Mở rộng mô hình 
  • Bước 5: Thêm các phòng tiện nghị cho khách phương xa trú ngụ với giá cả phải chăng (trọn gói) 
  • Bước 6 : ……. 

MÂY HỒNG và THIỆN TÂM đề nghị tập trung làm cho tốt bước 1 và bước 2 thì các bước sau sẽ thuận lợi. Các đồng hương muốn thỏa mãn các cảm xúc xứ Quảng, chỉ cần kết nối tại Hội quán là có tất cả. Không nơi nào thú vị bằng hẹn hò tại Hội quán. 

Ngày Tết ngồi với PHAN LÊ THIỆN TÂM – Chủ quán café Windows – Quảng Ngãi, tôi được biết Tâm làm ăn rất có uy tín trong nhiều lĩnh vực mà Tâm tham gia, vị trí nào cũng hoàn thành xuất sắc. Tâm đã đi trước một bước, tạo một thói quen mới, tạo một niềm tin cho các chủ đầu tư Quảng Ngãi thiết kế - xây dựng nhà cửa với phương châm chìa khóa trao tay. Thực hiện hợp đồng trọn gói từ khâu thiết kế đến khi chủ nhân dọn về nhà mới, Tâm đã làm gia chủ hài lòng và mãn nguyện, phân khúc này được Tâm làm rất hiệu quả. Nhiều gia chủ không biết và không có thông tin nhiều nhưng khi nhìn qua cơ ngơi, ưu thế quán xá của Tâm đã mạnh dạn vững tin và giao phó công việc cho Tâm. 
  • Với lối tư duy độc lập, sáng tạo khởi nguồn của những ly café từ các hẻm ngõ, thương hiệu café TRUNG NGUYÊN ra đời. 
  • Trên mâm cơm của mọi gia đình luôn có chén nước mắm, thương hiệu nước mắm CHIN-SU không thể bỏ qua một thị trường đầy tiềm năng.
  • Từ tư duy điện thoại cảm ứng không cần phím bấm đã xuất hiện sản phẩm điện thoại I-PHONE (APPLE) thay đổi cả thế giới. 
  • FACEBOOK, một mạng xã hội kết nối mọi người và làm cho thế giới trở nên gần gũi hơn, trao đổi và chia sẽ thông tin nhanh hơn…để các bạn cùng suy ngẫm. 
Tại sao một Hội quán tầm cỡ cho đại gia đình, một tương lai tốt đẹp, niềm tự hào của các thành viên K88, của người xứ Quảng không bắt đầu từ những ngày đầu năm Quý Tỵ 2013. Mong các bạn dành chút thời gian nhìn nhận vấn đề này để trăn trở từng bước một cùng thực hiện. Dân xứ Cẩm Thành sẽ mang ơn người đi tiên phong, người khai sơn phá thạch – NGƯỜI VĨ ĐẠI NHẤT

Ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ 2013 
Từ Đạt - Hội quán Quảng Ngãi 


Chân thành cảm ơn 
  • Bác sĩ TRẦN VĂN HIỆU – Bệnh viện Từ Dũ 
  • Tiến sĩ HÀ THÁI SƠN 
  • Bác sĩ TRẦN QUÂN THỤY – Chuỗi Nha khoa APPLE. 

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

2 Biến đá cuội thành tác phẩm độc đáo

(Theo Dân trí)
Khánh Anh sưu tầm

Đá cuội ở sông suối không phải là thứ xa lạ đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, khi xem những viên đá cuội đã được nữ họa sĩ Ernestina Gallina “thổi hồn”, chắc chắn người xem không khỏi thán phục.


Họa sĩ Ernestina Gallina đến từ Cenestino, nước Ý từ khi còn là một đứa trẻ đã biết cách biến những vật tầm thường thành những vật độc đáo lạ mắt. Lúc nhỏ, bà Gallina rất đam mê lĩnh vực hội họa, thiết kế. Tuy nhiên, do gia đình Gallina không ủng hộ sự lựa chọn này của bà cho nên bà không có cơ hội để phát triển kỹ năng của mình cũng như đăng ký tham gia học tập tại bất kỳ trường nghệ thuật chính thống. Bà chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật của mình như là một thú vui giải trí.



Năm 1987, bà cùng với gia đình chuyển đến thành phố Nairobi, ở Kenya để sinh sống. Tại đây sự nghiệp hội họa của bà được thăng hoa. Gallina kể lại, vào một hôm tại thư viện, vô tình bà đã vấp phải một cuốn sách được trưng bày trên những bức tranh đá. Từ hôm đó bà bắt đầu suy nghĩ về cách biến những viên đá cuội bình thường ở sông suối thành những tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là điểm mấu chốt giúp bà kết hợp và phát huy được niềm đam mê nghệ thuật cùng với tình yêu thiên nhiên đất trời. Kể từ đó, bà đến với nghệ thuật vẽ tranh trên đá như một điều tất yếu và không bao giờ ngừng lại được.

Sau 3 năm làm quen với công việc vẽ tranh trên đá, bà Ernestina Gallina đã có thể dạy lại những bí quyết vẽ tranh trên đá cho nhiều học viên, đến năm 2003 bà đã thành lập câu lạc bộ vẽ trên đá đầu tiên tại Ý.

Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của bà Ernestina Gallina:



































5 LÒNG TỪ BI VÀ CON NGƯỜI

Dalai Lama
Dịch giả : Mỹ Thanh 

(Trần Hoàng Bảo sưu tầm và gởi đến blog)


Một câu hỏi quan trọng nằm chôn vùi dưới kinh nghiệm của chúng ta, cho dù chúng ta biết đến nó hay không biết, đó là : Cuộc sống có ý nghĩa gì không?

Tôi có nghĩ về điều nầy và muốn được chia sẻ với mọi người những gì tôi nghĩ, với hy vọng là những điều nầy có thể đem lại ích lợi thiết thực cho những ai đọc qua bài nầy.

Tôi tin rằng ý nghĩa của cuộc sống là hạnh phúc. Từ lúc sanh ra đời, mỗi người trong chúng ta đều muốn hạnh phúc và tránh đau khổ. Không một điều kiện xã hội hay giáo dục, hoặc một lý tưởng nào có thể làm lệch lạc sự mong muốn nầy.

Từ trong tâm thức của con người chúng ta, tất cả đều muốn được an vui, hạnh phúc. Tôi không biết vũ trụ với vô số tinh tú, ngân hà & thế giới có ý nghĩa gì sâu sắc hay không; nhưng ít nhất, chúng ta cũng thấy rõ rằng con người sống trên trái đất nầy có nhiệm vụ làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc. Vì vậy, điều quan trọng là khám phá ra điều gì sẽ mang lại hạnh phúc nhiều nhất.

Làm thế nào để đạt hạnh phúc?

Hãy bắt đầu chia hạnh phúc và khổ đau làm hai phần chánh : Tinh thần, và thể xác. Trong hai phần nầy, tinh thần có ảnh hưỏng nhiều nhất nơi chúng ta.

Trừ khi chúng ta bệnh nặng hoặc bị đói khát, cơ thể chúng ta chỉ là phần phụ thuộc trong cuộc sống nầy. Nếu cơ thể tráng kiện, chúng ta không hề để ý đến nó. Tinh thần thì khác, nó ghi chú mọi việc, dù nhỏ nhặt đến đâu. Vì vậy chúng ta phải hết lòng cố gắng làm sao cho tinh thần mình được an lạc.

Trong kinh nghiệm giới hạn của tôi, tôi thấy rằng sự an lạc tột cùng là khi chúng ta làm tăng trưởng tình thương và lòng từ bi.

Lúc mà ta lo cho hạnh phúc của mọi người, là lúc mà chính ta đang hưởng hạnh phúc. Làm tăng trưởng lòng từ một cách tự động, là làm cho tinh thần được bình an. Điều nầy giúp ta dẹp sợ hãi và lo lắng, và giúp ta sẵn sàng đối phó với những trắc trở của cuộc đời. Đây là sự thành công tối hậu trong cuộc sống.

Khi mà ta còn sống trong thế giới nầy, là ta vẫn còn có vấn đề. Trong trường hợp gặp khó khăn, nếu chúng ta đánh mất hy vọng và trở nên chán nản, thì ý chí phấn đấu của chúng ta sẽ bị giảm đi. Ngược lại, nếu chúng ta nhớ rằng mọi người chung quanh đều phải trải qua đau khổ, thì cái nhìn thực tế nầy sẽ làm tăng ý chí và khả năng của chúng ta, để chúng ta đối phó với nghịch cảnh.

Thật ra, với thái độ nầy, mỗi khó khăn gặp phải, được xem như là một cơ hội ngàn vàng để chúng ta làm tăng trưởng phần tinh thần của chính mình.

Do đó, chúng ta phải tranh đấu dần dần để trở nên từ bi hơn, như vậy chúng ta mới có thể phát triển tình thương và giúp đỡ những ai đang đau khổ. Kết quả là sức mạnh nội tâm và sự thanh thản của chúng ta được tăng lên.

Chúng ta cần Tình thương

Lý do tại sao tình thương và lòng từ bi được xem như là điều hạnh phúc nhất, bởi vì trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu. Tình thương rất cần thiết cho sự sinh tồn của con người. Đó là mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc giữa con người với con người. Không cần biết là người đó có khả năng như thế nào và cho dù người đó có giỏi đến đâu đi nữa, kẻ đó cũng không thể sống sót nếu chỉ có một mình. Một người có thể khỏe mạnh, tráng kiện đến mức tối đa trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng một khi ngã bệnh hay lúc quá nhỏ, hoặc quá già, ta vẫn phải cần sự giúp đỡ của những người chung quanh .

Sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau là điều căn bản của luật tạo hóa. Không phải chỉ có loài người , kể cả những côn trùng nhỏ bé nhất, không có tôn giáo, hay luật lệ, chúng vẫn phải nương tựa vào nhau để mà được sống còn. Cả đến hiện tượng vật chất nhỏ bé nhất cũng phải bị chi phối bởi luật ” phụ thuộc lẫn nhau” (interdependence).

Những hiện tượng trên trái đất như : mây, biển, rừng, hoa lá cũng được cấu tạo bởi những năng lượng phụ thuộc lẫn nhau. Không có những năng lượng nầy, thì chúng tan hoại ngay.

Bởi vì đời sống của con người là phụ thuộc lẫn nhau, cho nên đây là một điều tự nhiên khi ai ai cũng cần tình thương. Vì vậy chúng ta cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc đem lại an vui cho mọi người.

Nên hiểu rằng những thiếu thốn hay đau khổ của con người là thuộc về phần tinh thần vì thế chúng không thể giải quyết được bằng máy móc tinh vi, vì vậy thật là một điều sai lầm khi ta tìm kiếm hạnh phúc bằng những thứ bên ngoài.

Chúng ta nên nhìn lại để tìm kiếm cho đúng thứ mà ta cần cho hạnh phúc.

Nếu bỏ qua câu hỏi rắc rối về tạo hóa và sự tiến triển của vũ trụ, chúng ta ít ra cũng đồng ý rằng mỗi chúng ta là một sản phẩm của cha mẹ chúng ta. Thông thường, mỗi chúng ta có mặt nơi đây là vì cha mẹ chúng ta muốn nuôi dưỡng một đứa con cho đến lúc nó trưởng thành và có thể tự lập. Vì vậy, ngay từ phút đầu thọ thai, tình thương của cha mẹ dành cho chúng ta bắt nguồn từ lúc đó.

Hơn nữa chúng ta hoàn toàn nương tựa vào sự săn sóc của mẹ chúng ta ngay từ lúc ban đầu. Theo các khoa học gia, tinh thần của người mẹ trong lúc mang thai có ảnh hưởng rất nhiều đến đứa trẻ trong bụng.

Sự thể hiện tình thương cũng rất quan trọng lúc đứa trẻ ra đời. Ngay từ buổi đầu việc đầu tiên chúng ta làm là tìm vú mẹ, chúng ta tự nhiên thấy gần với mẹ, và mẹ chúng ta phải cảm nhận được tình thương đó bà mới có thể lo bú mớm cho chúng ta m ột cách tốt đẹp; nếu bà cảm thấy tức giận hay bực tức thì sữa sẽ chảy không đều.

Kế đến là lúc tuổi khoảng 3 hay 4, đây là khoảng thời gian rất quan trọng cho việc phát triển bộ óc; trong lúc nầy, sự gần gủi săn sóc rất cần cho sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ không được ôm vào lòng, không được trìu mến thương yêu thì sự phát triển của bộ óc đứa trẻ sẽ bị hư hao hoặc kiếm khuyết.

Đứa trẻ không thể sống sót nếu không có sự chăm nom của người khác, vì vậy tình thương là món ăn cần thiết để nuôi dưỡng trẻ. Hạnh phúc của tuổi ấu thơ, đều nhờ vào tình thương, nhờ có tình thương, mà đứa trẻ dẹp được những nỗi lo sợ và trưởng thành một cách lành mạnh.

Hiện tại có bao đứa trẻ lớn lên trong những gia đình không hạnh phúc. Nếu chúng không được thương yêu trọn vẹn, thì sau nầy chúng ít khi nào thương được bố mẹ chúng, và thường thì, những đứa trẻ nầy không hiểu được thế nào là thương người khác. Thật là đáng điều đáng buồn!

Khi đứa trẻ lớn lên và đến trường, chúng cần sự nâng đỡ nơi thầy, cô. Thầy, cô không phải chỉ có truyền đạt kiến thức mà còn phải chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị cho đứa trẻ bước vào đời. Học sinh phải cảm nhận được sự tin cậy, và kính trọng, những gì chúng học được nơi thầy cô sẽ là một dấu ấn khó phai.

Ngược lại, nếu thầy cô chỉ lo dạy về môn học mà không để ý gì đến tánh tình, hạnh kiểm của học sinh thì thầy cô đó khó có thể dạy học lâu dài , họ chỉ có thể dạy trong một thời gian ngắn thôi .

Cũng như khi một người bệnh, gặp bác sĩ tận tâm, niềm nở, nhất là sự mong muốn họ mau khỏi bệnh, nhờ vậy họ cảm thấy thoải mái với sự ân cần của y sĩ , người nầy sẽ dễ dàng khỏi bệnh. Ngược lại, nếu bác sĩ giỏi nhưng không tận tâm, không ân cần, niềm nở, dù thuốc hay, nhưng vì bệnh nhân không thoải mái nên việc lành bệnh cũng không mau chóng.

Kể cả khi chúng ta nói chuyện thường ngày, nếu có người nói chuyện ân cần, thân mật, thì tức khắc chúng ta cảm thấy muốn nghe, và muốn tiếp chuyện; câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn hơn, cho dù đề tài không hay. Ngược lại, nếu một người nói chuyện lạnh nhạt hay trả lời nhát gừng, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và muốn mau mau kết thúc câu chuyện. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào tình cảm và sự quan tâm của người chung quanh.

Vừa rồi, tôi có gặp những khoa học gia ở Mỹ, họ bảo là mức độ về bệnh tâm thần ở đất nước họ đã tăng khoảng mười hai phần trăm trong dân số. Trong buổi bàn cãi, chúng tôi nhận ra rằng bệnh tâm thần không phải do thiếu thốn vật chất mà ra, mà lý do chánh là vì thiếu tình thương, thiếu tình thân ái giữa con người với con người.

Qua những gì tôi viết trên đây, một điều chắc chắn rõ ràng là : cho dù chúng ta có nhận thức được hay không về điều nầy, sự cần thiết tình thương đã nằm sẵn trong huyết quản của chúng ta ngay từ buổi ban đầu. Người lớn và trẻ em đều hướng đến tình thương, cho dù tình thương đó được mang đến từ một con vật hay từ một người mà bình thường ta vẫn xem như là thù địch.

Tôi tin rằng không một ai sanh ra mà không cần tình thương. Vài trường Triết đã công nhận rằng con người không phải chỉ thuần là thể xác. Tinh thần là chủ động trong việc cảm nhận được cái đẹp, cái quý giá, làm cho chúng ta có thể thương yêu.

Phát triển lòng từ bi

Vài người bạn của tôi nói rằng, tình thương và lòng từ bi rất tốt đẹp và kỳ diệu, nhưng chúng không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta, nơi mà lòng sân hận và thù hằn là một phần của con người, và như vậy chúng ta luôn bị sân hận làm chủ. Điều nầy tôi không đồng ý.

Con người chúng ta hiện hữu với hình hài nầy trong khoảng gần một trăm ngàn năm. Tôi tin rằng trong khoảng thời gian đó nếu tinh thần chúng ta bị sân hận làm chủ thì dân số của con người đáng lý phải bị giảm đi. Nhưng cho đến hôm nay, dù có những trận chiến, dân số con người vẫn gia tăng hơn bao giờ hết.

Điều nầy chứng tỏ rằng, tình thương và lòng từ vẫn chiếm ưu thế. Vì vậy, những việc không hay là”tin tức”, những việc làm từ bi trong đời sống hàng ngày bị coi như là điều tất nhiên, và phần lớn bị lờ đi.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, thì sự thăng bằng về mặt tinh thần và cơ thể mạnh khỏe có liên hệ mật thiết. Sự khích động và tức giận dễ làm chúng ta nhiễm bệnh . Ngược lại, nếu tinh thần yên tịnh và tràn đầy những ý nghĩ tốt lành thì cơ thể ít có cơ hội bị bệnh hoạn tấn công.

Muốn được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và để được tinh thần an lạc, cần phải có lòng từ bi, làm sao để chúng ta phát triển được lòng từ ? Chỉ nghĩ đến lòng từ bi thôi cũng chưa đủ, chúng ta phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày .

Trước hết, chúng ta phải biết rõ từ bi nghĩa là gì. Lòng từ cũng có nhiều hình thức và lắm lúc lẫn lộn với bám víu và ham muốn. Chẳng hạn, tình thương của cha mẹ dành cho con cái thường có liên quan đến những nhu cầu tình cảm của riêng họ, vì vậy tình thương không được hoàn toàn từ bi. Cũng vậy trong hôn nhân, tình thương giữa hai vợ chồng–nhất là lúc ban đầu, lúc mà cả hai chưa rõ những cá tánh sâu sắc của nhau–tình thương dựa vào bám víu hơn là đơn thuần thương yêu. Vì dục vọng của chúng ta quá mạnh nên người hôn phối dù có tánh xấu, dưới mắt ta lúc bấy giờ người ấy thật là hoàn hảo. Hơn nữa, ta lại có khuynh hướng khuếch trương những điều tốt nho nhỏ. Do đó, khi mà tánh tình một trong hai người thay đổi thì người kia cảm thấy thất vọng vì chính tánh tình họ cũng có đổi thay. Đây là điều cho ta thấy tình yêu được thúc đẩy bởi những nhu cầu của cá nhân hơn là vì thương yêu kẻ khác.

Lòng từ bi chân thật không phải là một thứ tình thương có qua có lại, mà là một sự cam kết chắc chắn dựa trên lý trí. Vì vậy, cho dù kẻ thọ nhận cư xử không tốt, một hành động từ bi thật sự sẽ không hề thay đổi .

Dĩ nhiên là phát triển lòng từ bi chân thật sẽ không phải là một việc dễ dàng. Lúc bắt đầu thực tập, chúng ta nên nhìn vào những điểm sau đây :

Dù người đẹp hay người xấu, người dễ thương hay kẻ phá hoại, chúng ta đều là con người như nhau cả. Và vì là con người nên chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Hơn nữa, mỗi người có quyền tự do riêng để tránh đau khổ và hưởng sung sướng. Bây giờ bạn chấp nhận là tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, và vì vậy bạn sẽ tự dưng cảm thông được với mọi người và cảm thấy gần gủi họ hơn. Thực tập điều nầy sẽ làm cho tinh thần bạn cảm nhận được tình vị tha, và bạn sẽ phát triển được lòng tôn kính nơi mọi người chung quanh : muốn giúp họ bớt khổ đau. Vì là con người nên ai ai cũng phải trải qua những kinh nghiệm vui, buồn, sung sướng và đau khổ, vì vậy không lý do gì bạn lại không thương được những người có những hành động ích kỷ.

Trong khả năng của chúng ta, để thực tập lòng từ bi, chúng ta phải cần có kiên nhẫn và thời gian. Tận trong tiềm thức của chúng ta, lúc nào cái “Tôi” cũng chiếm ưu thế, và vì cái “Tôi” đó mà lòng từ bị giới hạn. Thật ra lòng từ bi chân thật chỉ được thể hiện khi mà cái “Tôi” bị diệt bỏ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không làm chi được, cái gì cũng có bắt đầu, thực tập và tiến triển là điều có thể làm được.

Làm thế nào để bắt đầu

Để bắt đầu, chúng ta phải loại bỏ sân hận. Như chúng ta đã biết, sân hận là những năng lực tình cảm rất mạnh, chúng có thể hoàn toàn áp đảo tinh thần chúng ta. Nhưng chúng ta có thể làm chủ được chúng. Nếu không, chúng sẽ làm cho ta bị điêu đứng và việc tìm kiếm hạnh phúc với một tinh thần thương yêu sẽ khó mà thực hiện được.

Trước hết, hãy khám xét xem cái giận có tốt không. Đôi lúc, khi chúng ta chán nản vì một hoàn cảnh nào đó, cái giận dường như giúp chúng ta mạnh hơn, tự tin hơn và có quyết tâm. Lúc nầy, chúng ta phải kiểm điểm trạng thái tinh thần của mình một cách cẩn trọng. Thật sự cái giận cho ta thêm năng lực, nếu chúng ta khảo sát tỉ mỉ năng lượng của cái giận, ta khám phá ra rằng năng lượng nầy rất là mù quáng : chúng ta không biết được kết quả của nó sẽ là tốt hay xấu.

Bởi vì cái giận che lấp đi phần duy lý của bộ óc. Vì vậy năng lượng của cái giận không thể được tín nhiệm. Nó có sức hủy hoại rất lớn và tạo nên nhiều hành động đáng tiếc. Hơn nữa, nếu cái giận tăng lên đến mức tối đa, thì một người sẽ trở nên điên loạn, làm những việc có hại cho mình và cho người.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển một năng lượng khác cũng mạnh nhưng kiềm chế được để mà thích ứng với hoàn cảnh khó khăn.

Năng lượng nầy có được phát xuất từ cách cư xử với lòng từ bi, sự kiên nhẫn và lý trí. Đây là những thuốc giải hiệu nghiệm cho việc chữa trị cái giận. Đáng tiếc thay, bao người hiểu nhầm về những điều nầy, và cho đấy là biểu tượng của sự hèn nhát, yếu đuối. Tôi thì nghĩ ngược lại: chúng chính là những dấu hiệu cho một sức mạnh nội tâm. Trạng thái tự nhiên của lòng từ bi là sự dịu dàng, hòa nhã, mềm mỏng, nhưng có năng lượng rất mạnh mẻ. Những kẻ dễ tức giận là những người thiếu kiên nhẫn, dễ bất an và không ổn định. Do đó, đối với tôi, sự tức giận là một dấu hiệu của yếu đuối.

Vì vậy, khi vấn đề xuất hiện, nên cố gắng giữ bình tĩnh, với một hành động chân thành cho kết quả được công bằng. Dĩ nhiên là sẽ có những kẻ lợi dụng bạn, khi bạn giữ không bám víu, và hành vi nầy chỉ khuyến khích họ thêm hung hăng, thì bạn phải lên tiếng cho họ biết quan điểm của mình, và nếu cần thì tìm biện pháp để đối phó, nhưng tuyệt nhiên hành động không có sự tức giận hay ác ý ẩn bên trong.

Bạn nên hiểu rằng, cho dù kẻ đối nghịch đang hảm hại bạn, cuối cùng thì hành động nầy cũng chỉ gây hại cho chính họ thôi. Để kiểm soát sự trả đũa của bạn vì íck kỷ, bạn cần phải kêu gọi đến lòng mong muốn thực tập hạnh từ bi, và nhờ đó mà cố gằng giúp đỡ kẻ kia khỏi bị khổ não do chính hành động không hay của họ gây ra.

Hành động trả đũa thường dựa trên năng lực giận dữ với sự mù quáng cho nên sẽ không có kết quả tốt. Vì thế, khi bạn chọn lựa cách đối phó một cách từ tốn, có ích lợi cho cả đôi bên thì kết quả sẽ chính xác, có hiệu lực hơn.

Bạn và kẻ thù

Tôi muốn nhấn mạnh rằng chỉ suy nghĩ về: lòng từ, sự kiên nhẫn sẽ không ích lợi gì nếu bạn không thực tập chúng. Muốn thực tập những điều nầy thì hay nhất là những lúc khó khăn xuất hiện, hãy thử thực tập chúng.

Và ai là người cho ta những cơ hội khó khăn để thực tập? Dĩ nhiên là không phải bạn chúng ta, mà là kẻ thù của chúng ta. Họ là những người gây cho ta nhiều khó khăn nhất. Và nếu ta thật sự muốn học hỏi thì hãy xem kẻ thù như là những người thầy giỏi nhất!

Người thực tập hạnh từ bi và tình thương, cần phải thực tập luôn sự khoan dung, và như vậy thì , kẻ thù không thể thiếu được. Chúng ta phải cảm ơn kẻ thù, vì nhờ họ mà chúng ta phát triển được sự an bình của tinh thần. Thêm nữa, trong những trường hợp thuộc cá nhân hay công cộng có một thay đổi, kẻ thù cũng có thể trở thành bạn.

Sân hận rất có hại, chúng ta cần phải thực tập để làm giảm bớt năng lực của chúng nơi phần tinh thần, nếu không chúng sẽ tiếp tục làm phiền và gây khó khăn cho ta trong việc thực tập sự an lạc. Sân, Hận là kẻ thù thật sự của chúng ta. Đây là những năng lực mà chúng ta cần phải đối phó.

Thật là tự nhiên khi chúng ta ai ai cũng muốn có bạn. Tôi hay nói đùa là nếu bạn thật sự muốn ích kỷ, thì bạn cần phải nên vị tha. Bạn cần phải giúp đỡ, săn sóc mọi người, lo cho họ, làm bạn với họ, mang lại nụ cười cho họ. Kết quả ?

Khi mà cần sự giúp đỡ, bạn sẽ tìm thấy bao là người sẵn sàng! Ngược lại nếu bạn không lo gì đến hạnh phúc của kẻ khác, sau nầy bạn sẽ là kẻ thua thiệt.

Có người nói tình bạn hay mang đến cãi vã, giận dữ, ganh tyﬠvà tranh dành ? Tôi không đồng ý về điểm nầy. Tôi nhận thấy chỉ có tình thương mới mang lại cho chúng ta những người bạn thân đúng nghĩa.

Trong xã hội vật chất hiện nay, nếu bạn có tiền và có địa vị, thì dường như bạn có rất nhiều bạn. Nhưng họ đâu phải là bạn của bạn, họ là bạn của tiền và địa vị của bạn. Khi mà bạn trắng tay, mất hết quyền lực thì không còn tìm ra những người bạn nầy nữa, họ biến mất .

Thực tế thì khi mọi việc hanh thông, chúng ta cảm thấy tự tin và có thể tự lo, chúng ta cảm thấy mình không cần bạn; nhưng khi địa vị và sức khỏe suy dần, thì chúng ta mới biết là mình lầm. Lúc ấy, ta sẽ biết được ai hữu dụng và ai vô dụng. Và để chuẩn bị cho lúc ấy, để cho có được những bạn tốt, ta cần phải thực tập tình vị tha ngay từ bây giờ.

Tôi hay nói là tôi lúc nào cũng cần bạn, càng nhiều càng tốt, và mọi người hay cười tôi về điều nầy. Tôi yêu những nụ cười. Có rất nhiều nụ cười, nụ cười mai mỉa, nụ cười gỉa tạo, nụ cười ngoại giao. Có những nụ cười không làm chúng ta hài lòng, mà đôi lúc còn làm ta sợ hãi, nghi ngờ, phải không nào ? Nhưng một nụ cười chân thật mang lại cho chúng ta bao là sự vui tươi, và tôi tin là, đây là đặc điểm của con người. Nếu đây là nụ cười mà ta mong muốn thì chính chúng ta phải làm sao để cho chúng được hiện diện.

Lòng từ bi và thế giới

Để kết luận, tôi muốn nói thêm như sau : hạnh phúc cá nhân cũng góp phần không nhỏ trong việc làm cho xã hội con người tốt đẹp hơn.

Bởi vì tất cả chúng ta đều cần tình thương, vì thế khi gặp một người , dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng có thể coi người đó như là anh, chị em của ta.

Cho dù đấy là một khuôn mặt mới, cách cư xử, cách ăn mặc cho dù có khác biệt, thật ra không có gì cách biệt giữa ta và người. Những nhu cầu căn bản tự nhiên của mọi người đều giống nhau. Vì vậy thật là điên rồ khi mà chỉ bám vào những khác biệt bên ngoài.

Cuối cùng thì con người chỉ là một và trái đất nhỏ bé nầy là nhà của chúng ta.

Để bảo vệ căn nhà của chúng ta, thì mỗi một người trong chúng ta cần phải kinh nghiệm được ý nghĩa của lòng vị tha.

Lòng ích kỷ làm cho ta chỉ biết lừa dối và bạc đãi người khác, muốn diệt trừ tính ích kỷ thì chỉ có cách phát triển tình vị tha. Nếu bạn thành thật và có tấm lòng rộng mở, tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được niềm tự tin, hiểu rõ giá trị của chính mình và sẽ không còn sợ hãi nữa.

Tôi tin rằng mỗi giai cấp xã hội — bình dân, bộ lạc, quốc gia, và ngoại quốc –chìa khóa cho một thế giới hạnh phúc, an lạc là phát triển lòng từ bi. Chúng ta không cần phải theo một tôn giáo nào, hay phải tin vào một lý tưởng gì, chỉ cần mỗi một người trong chúng ta phát triển hết những đức tính tốt của con người là đủ.

Tôi cố gắng cư xử với những người tôi gặp như một người bạn lâu năm. Điều nầy mang lại cho tôi một niềm vui chân chất. Và đây là lúc để chúng ta tạo một thế giới hạnh phúc hơn, an lạc hơn.

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

4 Đầu năm luận bàn về "hạnh phúc"

Đầu năm, trong chúng ta ai cũng chúc nhau những lời hay ý đẹp, ai cũng mong muốn mọi điều tốt lành. Hầu hết trong các tin nhắn hay những lời chúc Tết chúng ta thường không quên chúc nhau "hạnh phúc". 

Ai trong chúng ta đều biết việc định nghĩa thế nào là hạnh phúc đã tốn quá nhiều giấy mực và mỗi người, mỗi giới, mỗi giai cấp đều có cách nhìn nhận hạnh phúc rất khác nhau. Tôi cũng không có đủ kiến thức để có thể tóm tắt hay trích dẫn, bàn luận về hạnh phúc. Tôi nghĩ, là những người học toán như chúng ta lại càng thấy quá khó và nhiều khi cũng không màng tới chuyện "thế nào là hạnh phúc" theo kiểu như các nhà thơ, nhà văn, diễn giả, ... mỗi người định nghĩa mỗi kiểu khác nhau.

Nhân có một ngày chủ nhật nghỉ Tết cuối cùng, tôi chợt nghĩ đến một khái niệm về hạnh phúc mà tôi rất tâm đắc và muốn viết ra đây để post lên blog và chia sẻ cùng mọi người. Nói viết cũng được mà nói tổng hợp, trích dẫn cũng không sao. Hiểu thế nào cũng đúng.

Khái niệm hạnh phúc tôi muốn nói ở đây là của Thiền sư Thích Nhất Hạnh "Hạnh phúc bây giờ và ở đây" (happiness-in-the-here-and-now)

Hạnh phúc bây giờ và ở đây:

Trong buổi đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc do báo Vietnamnet tổ chức, khi nói về cách sống để tìm thấy hạnh phúc thì thiền sư có lời khuyên: "...Hiện tại rất đẹp, quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Mình chỉ có giây phút thực sự sống là hiện tại, nếu sống sâu sắc mình có thể tiếp nhận trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... những nhiệm màu của sự sống. Ly nước trong là nhiệm màu, mình có thể an trú trong hiện tại để tiếp xúc với ly nước không? Hay khi uống ly nước mà nghĩ tới dự án tương lai... Nếu hạnh phúc trong hiện tại thì chắc chắn tương lai sẽ hạnh phúc, còn nếu không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng không thể có hạnh phúc. Nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc, thì khi cầm ly trà cũng lại hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà."

Thật là đơn giản để hiểu về hạnh phúc, hạnh phúc trong tầm tay của tất cả mọi người khi hiểu được ý niệm và biết thực hành trong công việc hàng ngày (sẽ được bàn đến ở phần thực hành ở cuối bài). Mãi lo nghĩ về tương lai khiến chúng ta không thể sống sâu sắc nhất trong hiện tại. Nói như thế nhiều người lại đặt vấn đề "như vậy mình không biết gì về quá khứ và cũng không quan tâm đến tương lai sao?". 

Vấn đề này cũng đã được thiền sư giải thích: "...sống sâu sắc đời sống của mình trong mỗi phút giây. Nguyên tắc là đừng đánh mất mình trong sự tiếc thương hay hối hận về quá khứ, chứ không phải là không được học hỏi từ quá khứ. Mình có thể an trú trong hiện tại và coi quá khứ là đối tượng của sự nghiên cứu của mình. Trong khi mình thiết lập thanh tâm trong hiện tại, mình đem quá khứ về hiện tại để học tập thì mình sẽ học hỏi được nhiều từ quá khứ. Đối với tương lai cũng vậy, đừng đánh mất mình trong sự lo lắng và sợ hãi về tương lai. Còn mình có quyền thiết kế tương lai của mình chứ. Mình an trú trong hiện tại và mình đem tương lai về hiện tại để nghiên cứu và hoạch định. Nói cách khác, sống sâu sắc trong hiện tại thì đồng thời mình cũng tiếp xúc được quá khứ, còn tương lai cũng nằm trong hiện tại. Mình cần biết xử lý hiện tại với tất cả khả năng của mình, thì có nghĩa là mình đang làm tất cả những gì mình có thể làm cho tương lai rồi. Lo lắng và sợ hãi tương lai chỉ làm hư tương lai của mình, còn tiếc nuối và mặc cảm về quá khứ sẽ biến quá khứ thành nhà tù và mình không có khả năng sống trong hiện tại nữa. Đó là sự đáng tiếc!". 

Nghe xong lời dạy của thiền sư, tôi tự nhủ mình phải biết ơn tất cả những gì mình đang có. 

Thực hành

Trong chuyến hoằng pháp mới đây tại Thái Lan, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi nói chuyện tại trường Đại học Thammasat với chủ đề “Những phép lạ của phút giây hiện tại” (The Miracles of the Present Moment). Trong buổi nói chuyện này, Thiền sư đã chia sẻ về hơi thở ý thức, về phương pháp lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ hòa ái như là những phương pháp có công năng trị liệu, mang lại cho chúng ta khả năng hiểu biết và thương yêu đối với bản thân mình và đối với mọi người, mọi loài.
Khi đọc bài về buổi nói chuyện của thiền sư tôi nhặc được ý tưởng thực hành rất dễ hiểu, dễ thực hiện và đặc biệt là rất gần gũi với cuộc sống và công việc hàng ngày của tất cả chúng ta. Đó là phương pháp "Thi kệ thực tập chánh niệm". Nghe cái tên có thể mọi người thấy khó hiểu nhưng vấn đề chỉ là hít-thở và thực tập hàng ngày.

Thực tập thi kệ là một trong những cách để giúp bạn sống tỉnh thức và thưởng thức được một cách sâu sắc nhất những gì trong giây phút hiện tại, đó chính là nhu yếu thâm sâu nhất của con người. Thi kệ được áp dụng khi chúng ta thức dậy, rửa mặt, trong bữa ăn, rửa bát, uống trà… Bạn có thể thực tập thi kệ trong suốt ngày.

Bài thi kệ đầu tiên là bài thức dậy buổi sáng:

“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Tất cả các bài thi kệ đều có bốn câu. Mỗi câu của bài thi kệ đi theo một hơi thở, câu đầu đi với hơi thở vào, câu thứ hai đi với hơi thở ra. Khi mình thở vào, thở ra và thầm đọc bài kệ, mình sẽ ý thức được rõ ràng mình thực sự đang làm gì. Buổi sáng khi chúng ta thức dậy, chúng ta nhận ra là mình đang còn sống và sự sống đang có mặt xung quanh ta. Chúng ta nhận ra 24 giờ là một món quà của sự sống và chúng ta nguyện sống thật sâu sắc với những giờ phút quý báu này. Khi chúng ta thực tập như vậy, hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay tức thì, sự kiện rằng mình đang còn sống là một điều kỳ diệu, vì vậy, chỉ cần thở vào và ý thức rằng mình đang còn sống đã là một phương pháp thực tập giúp mang lại hạnh phúc.

Khi bạn đã thuộc một bài thi kệ, nó sẽ đến với bạn hoàn toàn tự nhiên, như khi nâng chén trà lên thì tự khắc bài kệ sau đây sẽ đến với bạn:

"Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây"

Bạn không cần học thuộc lòng một lần tất cả các bài kệ. Bạn có thể bắt đầu với vài bài mà bạn ưa thích, rồi từ từ học thêm một bài, rồi một bài khác. Xử dụng chúng trong một thời gian bạn sẽ thấy có sự biến đổi trong cuộc đời của bạn. Bạn sẽ có chánh niệm, điềm tỉnh, bình an và niềm vui trong mỗi tư thế và động tác hằng ngày. Bạn hãy sáng tác thêm những thi kệ cho riêng mình để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Những bài thi kệ sẽ là những người bạn đồng hành vững chãi và thú vị.

Xin kết thúc bài này bằng một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh:

"Nếu chúng ta biết áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nếu ta biết thực tập lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái, ta có thể tái lập lại sự truyền thông và mang lại hòa bình cho đất nước của chúng ta cũng như cho thế giới này."

Sài gòn, mùng 8 Tết Quí tị - 2013
Khiếu

-----------------------------------------------
Một số bài thi kệ dễ để chúng ta thực hành:
(xin nhắc lại để thực hành: Tất cả các bài thi kệ đều có bốn câu. Mỗi câu của bài thi kệ đi theo một hơi thở, câu đầu đi với hơi thở vào, câu thứ hai đi với hơi thở ra)


THỨC DẬY
Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời

XẾP MỀN
Xếp mền cho niềm vui
Sống ngăn nắp cuộc đời
Thân và tâm thúc liễm
Phiền não phải rụng rơi

SÚC MIỆNG
Súc miệng lòng cũng sạch
Vũ trụ ngát hoa hương
Ba nghiệp thường thanh tịnh
Cùng Bụt chơi Tây phương

ĐÁNH RĂNG
Đánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm

RỬA MẶT
Rửa mặt là rửa tâm
Sạch hết mọi cấu trần
Để cho nguồn an lạc
Đi vào cả châu thân

SOI GƯƠNG
Chánh niệm là đài gương
Gương soi hình tứ đại
Đẹp nhất là tình thương
Và cái nhìn rộng rãi

ĐI TIỂU
Đi tiểu trong bản môn
Đổi trao nào kỳ diệu
Ta và ngươi không hai
Không dư mà không thiếu

RỬA TAY
Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này

RỬA CHÂN
Sự an lạc
của ngón chân
Niềm an lạc
của thân tâm

TRƯỚC KHI ĂN
Vạn vật tranh sống
Trên quả đất này
Nguyện cho tất cả
Có bát cơm đầy

TƯỚI CÂY TRONG CHẬU
Đừng thấy mình riêng lẻ cây ơi
Nước này tuôn chảy từ mạch đất trời
Nước này là đại địa
Ta có nhau tự muôn đời

MỞ MÁY VI TÍNH
Thắp lên máy vi tính
Ý tiếp xúc với Tàng
Tập khí nguyện chuyển hóa
Nuôi lớn Hiểu và Thương

NHẤC ĐIỆN THOẠI
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu

(đề nghị Tấn Thế viết thêm một bài thi kệ nữa về "MỞ BLOG")