Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

4 Đầu năm luận bàn về "hạnh phúc"

Đầu năm, trong chúng ta ai cũng chúc nhau những lời hay ý đẹp, ai cũng mong muốn mọi điều tốt lành. Hầu hết trong các tin nhắn hay những lời chúc Tết chúng ta thường không quên chúc nhau "hạnh phúc". 

Ai trong chúng ta đều biết việc định nghĩa thế nào là hạnh phúc đã tốn quá nhiều giấy mực và mỗi người, mỗi giới, mỗi giai cấp đều có cách nhìn nhận hạnh phúc rất khác nhau. Tôi cũng không có đủ kiến thức để có thể tóm tắt hay trích dẫn, bàn luận về hạnh phúc. Tôi nghĩ, là những người học toán như chúng ta lại càng thấy quá khó và nhiều khi cũng không màng tới chuyện "thế nào là hạnh phúc" theo kiểu như các nhà thơ, nhà văn, diễn giả, ... mỗi người định nghĩa mỗi kiểu khác nhau.

Nhân có một ngày chủ nhật nghỉ Tết cuối cùng, tôi chợt nghĩ đến một khái niệm về hạnh phúc mà tôi rất tâm đắc và muốn viết ra đây để post lên blog và chia sẻ cùng mọi người. Nói viết cũng được mà nói tổng hợp, trích dẫn cũng không sao. Hiểu thế nào cũng đúng.

Khái niệm hạnh phúc tôi muốn nói ở đây là của Thiền sư Thích Nhất Hạnh "Hạnh phúc bây giờ và ở đây" (happiness-in-the-here-and-now)

Hạnh phúc bây giờ và ở đây:

Trong buổi đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc do báo Vietnamnet tổ chức, khi nói về cách sống để tìm thấy hạnh phúc thì thiền sư có lời khuyên: "...Hiện tại rất đẹp, quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Mình chỉ có giây phút thực sự sống là hiện tại, nếu sống sâu sắc mình có thể tiếp nhận trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... những nhiệm màu của sự sống. Ly nước trong là nhiệm màu, mình có thể an trú trong hiện tại để tiếp xúc với ly nước không? Hay khi uống ly nước mà nghĩ tới dự án tương lai... Nếu hạnh phúc trong hiện tại thì chắc chắn tương lai sẽ hạnh phúc, còn nếu không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng không thể có hạnh phúc. Nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc, thì khi cầm ly trà cũng lại hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà."

Thật là đơn giản để hiểu về hạnh phúc, hạnh phúc trong tầm tay của tất cả mọi người khi hiểu được ý niệm và biết thực hành trong công việc hàng ngày (sẽ được bàn đến ở phần thực hành ở cuối bài). Mãi lo nghĩ về tương lai khiến chúng ta không thể sống sâu sắc nhất trong hiện tại. Nói như thế nhiều người lại đặt vấn đề "như vậy mình không biết gì về quá khứ và cũng không quan tâm đến tương lai sao?". 

Vấn đề này cũng đã được thiền sư giải thích: "...sống sâu sắc đời sống của mình trong mỗi phút giây. Nguyên tắc là đừng đánh mất mình trong sự tiếc thương hay hối hận về quá khứ, chứ không phải là không được học hỏi từ quá khứ. Mình có thể an trú trong hiện tại và coi quá khứ là đối tượng của sự nghiên cứu của mình. Trong khi mình thiết lập thanh tâm trong hiện tại, mình đem quá khứ về hiện tại để học tập thì mình sẽ học hỏi được nhiều từ quá khứ. Đối với tương lai cũng vậy, đừng đánh mất mình trong sự lo lắng và sợ hãi về tương lai. Còn mình có quyền thiết kế tương lai của mình chứ. Mình an trú trong hiện tại và mình đem tương lai về hiện tại để nghiên cứu và hoạch định. Nói cách khác, sống sâu sắc trong hiện tại thì đồng thời mình cũng tiếp xúc được quá khứ, còn tương lai cũng nằm trong hiện tại. Mình cần biết xử lý hiện tại với tất cả khả năng của mình, thì có nghĩa là mình đang làm tất cả những gì mình có thể làm cho tương lai rồi. Lo lắng và sợ hãi tương lai chỉ làm hư tương lai của mình, còn tiếc nuối và mặc cảm về quá khứ sẽ biến quá khứ thành nhà tù và mình không có khả năng sống trong hiện tại nữa. Đó là sự đáng tiếc!". 

Nghe xong lời dạy của thiền sư, tôi tự nhủ mình phải biết ơn tất cả những gì mình đang có. 

Thực hành

Trong chuyến hoằng pháp mới đây tại Thái Lan, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi nói chuyện tại trường Đại học Thammasat với chủ đề “Những phép lạ của phút giây hiện tại” (The Miracles of the Present Moment). Trong buổi nói chuyện này, Thiền sư đã chia sẻ về hơi thở ý thức, về phương pháp lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ hòa ái như là những phương pháp có công năng trị liệu, mang lại cho chúng ta khả năng hiểu biết và thương yêu đối với bản thân mình và đối với mọi người, mọi loài.
Khi đọc bài về buổi nói chuyện của thiền sư tôi nhặc được ý tưởng thực hành rất dễ hiểu, dễ thực hiện và đặc biệt là rất gần gũi với cuộc sống và công việc hàng ngày của tất cả chúng ta. Đó là phương pháp "Thi kệ thực tập chánh niệm". Nghe cái tên có thể mọi người thấy khó hiểu nhưng vấn đề chỉ là hít-thở và thực tập hàng ngày.

Thực tập thi kệ là một trong những cách để giúp bạn sống tỉnh thức và thưởng thức được một cách sâu sắc nhất những gì trong giây phút hiện tại, đó chính là nhu yếu thâm sâu nhất của con người. Thi kệ được áp dụng khi chúng ta thức dậy, rửa mặt, trong bữa ăn, rửa bát, uống trà… Bạn có thể thực tập thi kệ trong suốt ngày.

Bài thi kệ đầu tiên là bài thức dậy buổi sáng:

“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Tất cả các bài thi kệ đều có bốn câu. Mỗi câu của bài thi kệ đi theo một hơi thở, câu đầu đi với hơi thở vào, câu thứ hai đi với hơi thở ra. Khi mình thở vào, thở ra và thầm đọc bài kệ, mình sẽ ý thức được rõ ràng mình thực sự đang làm gì. Buổi sáng khi chúng ta thức dậy, chúng ta nhận ra là mình đang còn sống và sự sống đang có mặt xung quanh ta. Chúng ta nhận ra 24 giờ là một món quà của sự sống và chúng ta nguyện sống thật sâu sắc với những giờ phút quý báu này. Khi chúng ta thực tập như vậy, hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay tức thì, sự kiện rằng mình đang còn sống là một điều kỳ diệu, vì vậy, chỉ cần thở vào và ý thức rằng mình đang còn sống đã là một phương pháp thực tập giúp mang lại hạnh phúc.

Khi bạn đã thuộc một bài thi kệ, nó sẽ đến với bạn hoàn toàn tự nhiên, như khi nâng chén trà lên thì tự khắc bài kệ sau đây sẽ đến với bạn:

"Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây"

Bạn không cần học thuộc lòng một lần tất cả các bài kệ. Bạn có thể bắt đầu với vài bài mà bạn ưa thích, rồi từ từ học thêm một bài, rồi một bài khác. Xử dụng chúng trong một thời gian bạn sẽ thấy có sự biến đổi trong cuộc đời của bạn. Bạn sẽ có chánh niệm, điềm tỉnh, bình an và niềm vui trong mỗi tư thế và động tác hằng ngày. Bạn hãy sáng tác thêm những thi kệ cho riêng mình để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Những bài thi kệ sẽ là những người bạn đồng hành vững chãi và thú vị.

Xin kết thúc bài này bằng một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh:

"Nếu chúng ta biết áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nếu ta biết thực tập lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái, ta có thể tái lập lại sự truyền thông và mang lại hòa bình cho đất nước của chúng ta cũng như cho thế giới này."

Sài gòn, mùng 8 Tết Quí tị - 2013
Khiếu

-----------------------------------------------
Một số bài thi kệ dễ để chúng ta thực hành:
(xin nhắc lại để thực hành: Tất cả các bài thi kệ đều có bốn câu. Mỗi câu của bài thi kệ đi theo một hơi thở, câu đầu đi với hơi thở vào, câu thứ hai đi với hơi thở ra)


THỨC DẬY
Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời

XẾP MỀN
Xếp mền cho niềm vui
Sống ngăn nắp cuộc đời
Thân và tâm thúc liễm
Phiền não phải rụng rơi

SÚC MIỆNG
Súc miệng lòng cũng sạch
Vũ trụ ngát hoa hương
Ba nghiệp thường thanh tịnh
Cùng Bụt chơi Tây phương

ĐÁNH RĂNG
Đánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm

RỬA MẶT
Rửa mặt là rửa tâm
Sạch hết mọi cấu trần
Để cho nguồn an lạc
Đi vào cả châu thân

SOI GƯƠNG
Chánh niệm là đài gương
Gương soi hình tứ đại
Đẹp nhất là tình thương
Và cái nhìn rộng rãi

ĐI TIỂU
Đi tiểu trong bản môn
Đổi trao nào kỳ diệu
Ta và ngươi không hai
Không dư mà không thiếu

RỬA TAY
Múc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này

RỬA CHÂN
Sự an lạc
của ngón chân
Niềm an lạc
của thân tâm

TRƯỚC KHI ĂN
Vạn vật tranh sống
Trên quả đất này
Nguyện cho tất cả
Có bát cơm đầy

TƯỚI CÂY TRONG CHẬU
Đừng thấy mình riêng lẻ cây ơi
Nước này tuôn chảy từ mạch đất trời
Nước này là đại địa
Ta có nhau tự muôn đời

MỞ MÁY VI TÍNH
Thắp lên máy vi tính
Ý tiếp xúc với Tàng
Tập khí nguyện chuyển hóa
Nuôi lớn Hiểu và Thương

NHẤC ĐIỆN THOẠI
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu

(đề nghị Tấn Thế viết thêm một bài thi kệ nữa về "MỞ BLOG")

4 nhận xét:

  1. Ẩn sau bề ngoài sôi nổi là một tâm hồn đậm chất thiền.Bái phục! Bái phục!
    Lời thánh nhân nào dám vọng xét,chỉ xin bình vài dòng thôi:
    Áo cơm chuyện ấy cũng thường
    bôn ba cũng một con đường về thôi
    khi lửa bỏng lúc dầu sôi...
    lợi danh... nước chảy mây trôi cuối trời.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác sĩ tâm hồn (hiệu trưởng),ly nước trong là nhiệm màu. hèn chi uống nước trà có...cồn bác đốt cháy anh em. chỉ còn một từ dành cho bác PHỤC!!!
    Nhà ven

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, cho tôi thêm ngày nữa để yêu thương (Gibran)

    Trả lờiXóa
  4. Lợi danh như bóng mây chìm nổi - Chỉ còn tình thương để lại đời

    Trả lờiXóa