Anh Đặng Văn Thành hiện đang ở Virginia, anh sinh ra và thuở ấu thơ ở Quảng Ngãi (Châu Ổ - Bình Sơn), anh biết đến blog của C1-88 và muốn chia sẻ cùng anh em đồng hương.
Đây là bài đầu tiên anh gởi đến mình và bên cạnh bài viết anh cũng muốn tìm lại người bạn thân đã hơn 40 năm chưa gặp lại (nay không biết còn ờ Bình Sơn, Quảng Ngãi không?)
Tên Huỳnh Tấn Lương
Sinh năm 1963 hay 1964
Năm 1974 học lớp 4 tại trường tiểu học Bình Vân
Bình Sơn Quảng Ngãi
-------------
Quê tôi nghèo, đất cằn cỗi. Làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá như trong thơ Chính Hữu. Một bên là núi cao mờ sương, một bên là biển sâu thăm thẳm. Cái dãi đất chật hẹp nơi tôi chào đời được ví như cái đòn gánh của đất nước tôi mà hai đầu gánh là hai thúng thóc nặng trĩu đến từ đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
Chỉ là người gánh thóc nên dân quê tôi lam lũ quanh năm, vất vả chống chọi với thiên nhiên để mưu cầu cuộc sống. Rất nhiều người phải bỏ xứ ra đi.
Thuở ấu thơ, tôi là một thằng bé đen đủi ốm yếu nên bạn bè gọi tôi là "cây sậy".
Ba tôi ra lính, vào Sài gòn tìm kế mưu sinh. Má tôi mua bán gạo lẻ ở chợ huyện, chật vật nuôi dưỡng anh chị em tôi, tất cả là 5 người mà tôi là con trưởng. Cuộc sống kham khổ, người chết mỗi ngày vì bom đạn cũng không ngăn đựơc những hạnh phúc bất tận của tuổi thơ mà tôi đã đi qua.
Thuở ấy tôi còn ngồi ở cấp tiểu học, ngoài giờ đi học, chơi với bạn bè và em nhỏ, tôi hay ra chỗ Má bán quanh quẩn chơi. Một ngày nọ, có một người đàn ông mặc áo bà ba trắng với 2 túi lớn
trước bụng, quần đen, tóc búi củ tỏi, dáng bệ vệ đến mua gạo.
Thằng Cây Sậy núp sau lưng mẹ tò mò nhìn người khách hàng.
Ông Củ Tỏi cúi xuống, bốc gạo từ trong 2 cái thúng lên xem, đưa lên mũi ngửi thử trước khi trả giá.
Má tôi đến gần người khách hàng để giải thích và mặc cả. Cây Sậy bám theo chân bà.
Ông Củ Tỏi có vẻ dễ dãi; ông đồng ý mua, trả tiền trước và hẹn 1 giờ sau sẽ trờ lại lấy gạo.
Má tôi vui vẻ đong gạo ra bọc. Bà dùng cái lon lớn hơn lon sữa ông Thọ gọi là "lít" và ống cây tròn để gạt miệng lon.Tôi giúp Má giữ miệng bọc để bà đổ gạo vào.
Đang lúc làm, tôi hỏi Má : " Má, sao miệng ông hồi nãy hôi dữ vậy?"
Má tôi trả lời: " À, có những người miệng hôi lắm. Người ta gọi là miệng Hùm (cọp). Những người này nếu miệng càng hôi thì họ càng giàu."
Thì ra thế.
Tôi hỏi Má tại sao? Bà không giải thích rõ, chỉ cho biết rằng thực tế cuộc sống cho thấy những người "miệng Hùm" là những người giàu hoặc rất giàu.
Khi ông Củ Tỏi trở lại lấy gạo, thằng Cây Sậy nép sau chân mẹ nhìn ông nể phục.
Câu trả lời chưa thoả mãn óc tò mò nên câu hỏi cứ đong đưa trong đầu thằng Cây Sậy suốt quãng đời còn lại.
............................................................................
Tôi không nhớ cụ thể là lúc nào tôi tìm ra câu trả lời.
Có lẽ khi tuổi thơ đã đi qua, khi tôi phải vật lộn với cơm áo gạo tiền mỗi ngày hay cho đến khi tôi trở thành một trong những ông miệng Hùm?
Tôi không nhớ, nhưng tôi đã tìm đựơc câu trả lời.
............................................................................
Khi ngày xưa những người dân quê tôi ăn toàn gạo, khoai, rau cải, xì dầu nước mắm mỗi ngày; thỉnh thoảng được ăn cá đồng cá biển; hiếm khi nhìn thấy miếng thịt, thì những ông miệng Hùm phải là những người giàu là chuyện dễ hiểu.
06/16/2010
Thành Đặng
Thế hóa ra những người ăn chay thì không bao giờ bị hôi miệng hả anh " cây sậy"? Xin nói thêm, người miền Trung gọi cây sậy là cây sặc, hoặc cây lách.
Trả lờiXóaWelcome anh Thành đến với blog. Mong có những bài viết hay nữa của anh.
Trả lờiXóaLam Điền ới sắp đến coi chừng Điền thất thu đó , vì quá dễ để thể hiện là người giàu hoặc rất giàu, hic sợ nc với người giàu quá.
Trả lờiXóa